TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ THÚC ĐẨY NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ TẠI ĐỊA PHƯƠNG

01/12/2023

Giám sát là chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Trong những năm qua, mặc dù hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của hội đồng nhân là vô cùng cần thiết.

CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND) trong tổ chức chính quyền địa phương và trong việc hiện 2 chức năng quan trọng, đó là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND

Theo Báo cáo tổng kết về hoạt động giám sát của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021, hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương,… Đồng thời, hoạt động giám sát của HĐND đã phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó ngày càng góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động giám sát của HĐND các cấp vẫn chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Cụ thể: Phương thức giám sát của nhiều địa phương chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, đọc báo cáo. Hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều; một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát;…

HĐND triển khai nhiều hình thức giám sát đưa lại những chuyển biến tích cực trên thực tế

Một số quy định còn thiếu, chưa hoàn thiện

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, từ thực tế hoạt động tại địa phương, một số ý kiến cho rằng do quy định của pháp luật hiện hành còn có nội dung bất cập, không phù hợp. Dẫn chứng cho nhận định này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam cho biết, một số quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Thường trực HĐND chưa hoàn thiện, cụ thể, nhất là các chế định về hoạt động giám sát, giải quyết kiến nghị sau giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri. Hiện nay, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp chịu sự giám sát không chấp hành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; …

Chia sẻ quan điểm nêu trên, TS. Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, một số quy định của pháp luật về hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân vẫn còn chung chung, chưa cụ thể như: Chưa có quy định rõ ràng về đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động đại  biểu Hội đồng nhân dân và cơ chế kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân;…

TS. Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Nêu dẫn chứng ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng cho biết, quy định pháp luật hiện hành còn có nội dung bất cập, không phù hợp và thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật dối với Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nêu: “Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện”. Theo đó, các kiến nghị, kết luận sau giám sát của Thường trực HĐND, ban của HĐND không có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Nếu trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không tự giác thực hiện kiến nghị sau giám sát, thì Thường trực HĐND, ban của HĐND phải triển khai các bước, đưa vấn đề ra kỳ họp, trình HĐND quyết định. Khi đó nhiều trường hợp sẽ không bảo đảm tính kịp thời trong ngăn chặn, xử lý sai phạm.

Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng, quy định tại Điều 163, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không bao gồm nội dung giám sát về tính kịp thời trong ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Điều này tạo ra lỗ hổng trong hoạt động giám sát, cũng như thiếu căn cứ trong việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát của cơ quan dân cử

Đưa ra kiến nghị hoàn thiện, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng đề nghị, Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tăng số lượng các đại biểu hoạt động chuyên trách.

Hiện nay số lượng các đại biểu HĐND chuyên trách rất ít nhưng phải đảm nhận những nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do đó, đề nghị cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các các Ban HĐND tỉnh, ngoài 02 lãnh đạo Ban chuyên trách có thêm từ 01 - 02 đại biểu chuyên trách; giảm đại biểu cơ cấu trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm đảm bảo tính khách quan, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại biểu dân cử và chức năng giám sát của HĐND và cũng là nguồn của lãnh đạo Ban chuyên trách của các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng cũng đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát để nâng cao hiệu lực của các cuộc giám sát chuyên đề, đảm bảo việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai

Nêu đề xuất, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền cho rằng, để nâng cao chất lượng giám sát của HĐND, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống luật về HĐND (Luật bầu cử, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...), các luật liên quan đến hoạt động của HĐND (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật đầu tư công, Luật kiểm toán. Luật thanh tra, Luật Ngân sách nhà nước...) để tạo ra một hành lang pháp lý với cơ chế hoạt động mang tính hiệu quả, hiệu lực.

Bên cạnh đó, Luật họat động giám sát cần quy định chế tài xử lý rõ ràng hơn; Đồng thời, bổ sung quy định giá trị pháp lý của báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, tổ đại biểu; Bổ sung cơ chế và quy định rõ nguồn kinh phí cho các đại biểu HĐND được thuê chuyên gia trong hoạt động nói chung và trong giám sát nói riêng, để nâng cao chất lượng giám sát của đại biểu HĐND.…

Cần chế tài cụ thể để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND 

Cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng lưu ý: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; Sửa đổi, bỏ osugn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, bổ sung nội dung đánh giá về “tính kịp thời trong ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật” thuộc Điều 163 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng, cần nghiên cứu quy định trong các luật có liên quan về trách nhiệm, biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện tốt nhiệm vụ về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND. Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Do vậy, việc nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện nay là cần thiết, tạo cơ sở đầy đủ thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới./.

Lê Anh - Nghĩa Đức