MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐÁP ỨNG TỐT NHU CẦU ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC VỀ AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

23/12/2023

Đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia trong đó có Việt Nam. Điều này cũng cho thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về an sinh xã hội tăng cao. Do đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm đáp ứng một cách tốt nhất về nhu cầu đào tạo sau đại học về an sinh xã hội ở Việt Nam.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học Lao động - Xã hội nêu rõ, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia trong đó có Việt Nam. Chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. 

Thành tựu đó cho phép nước ta có thêm nhiều nguồn lực thực hiện và mở rộng hệ thống chính sách an sinh xã hội (ASXH). Điều này cũng cho thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về ASXH tăng cao. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở đào tạo nào tại Việt Nam có ngành ASXH, kể cả bậc cử nhân và sau đại học.

Từ việc rà soát chương trình đào tạo của một số cơ sở đào tạo có liên quan đến ASXH cho thấy, những kiến thức được đưa vào giảng dạy chủ yếu là những lý luận cơ sở, việc đào tạo ASXH ở bậc đại học và sau đại học chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao về ASXH. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao về ASXH làm hạn chế khả năng xây dựng, hoạch định, triển khai thực hiện các chính sách ASXH trong quản lý nhà nước. Do đó, cần có một số giải pháp nhằm đáp ứng một cách tốt nhất về nhu cầu đào tạo sau đại học về ASXH ở Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trung Hải, cần xây dựng nội dung đào tạo phù hợp. Việc thiết kế nội dung đào tạo cần bảo đảm đầy đủ các hợp phần của hệ thống ASXH của Việt Nam, cũng như các hợp phần đang được nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới khuyến nghị áp dụng.

Hiện nay, các hợp phần của hệ thống ASXH của Việt Nam bao gồm: Việc làm, thu nhập và giảm nghèo, Bảo hiểm xã hội, Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và Dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, căn cứ theo một số quy định và thông tư cũng như thực trạng đào tạo ASXH, nghiên cứu phân tích và đưa ra một số giải pháp sau về nguồn lực, giáo trình tài liệu như sau: Phát triển đội ngũ giảng viên. Các bộ và các cơ quan trực thuộc bộ cũng như các cơ sở đào tạo cần chủ động lập kế hoạch phối hợp với các đối tác nước ngoài để ưu tiên các học bổng trình độ tiến sĩ về ASXH. 

Ngoài ra, có thể tham khảo chương trình học bổng hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với việc cử giáo viên tham gia hoặc lựa chọn các khóa đào tạo tại nước ngoài, có thể căn cứ theo Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo uy tín về ASXH của các nước để cử giáo viên tham gia. Như vậy, các giảng viên cần đăng ký dự thi và liên hệ trước với các cơ sở có đào tạo sau đại học về ASXH để nắm chắc thủ tục cần thiết trước khi thi tuyển vào các trường đó.

Phát triển hệ thống giáo trình, tài liệu an sinh xã hội: Trong đề xuất khung chương trình đào tạo sau đại học, một trong những giải pháp khuyến nghị trong thời điểm này có thể hướng tới là phát triển bằng thạc sĩ Công tác xã hội về An sinh xã hội. Do đó, trong việc phát triển nguồn lực đào tạo có thể tận dụng các nguồn lực trong Quyết định 32/2010 và Quyết định 112/2021. Như vậy, nếu đề xuất đào tạo chương trình thạc sĩ Công tác xã hội về ASXH, thì cần phát triển và biên soạn nhiều hơn giáo trình trong lĩnh vực ASXH và có thể tận dụng nguồn lực từ các đề án này.

Trong việc triển khai đề án của Chính phủ, Cục Bảo trợ xã hội được giao làm đối mối triển khai nhiều hoạt động trong đó có hoạt động biên soạn và phát triển giáo trình. Trong những năm qua, Cục Bảo trợ xã hội đã triển khai rất hiệu quả các hoạt động này. Tuy nhiên, việc biên soạn các giáo trình mới tập trung phát triển ở hệ trung cấp và cao đẳng về công tác xã hội. Định hướng trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung biên soạn giáo trình đại học và sau đại học. 

Do đó, ngoài những giáo trình về công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội cũng cần có chủ trương và định hướng để tập trung cho việc phát triển thêm giáo trình tài liệu sau đại học về ASXH để phục vụ cho mục đích đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch cụ thể để đề xuất lên Cục Bảo trợ xã hội nhằm phát triển hệ thống giáo trình sau đại học về ASXH.

Đối với nguồn lực để phát triển hệ thống giáo trình tài liệu, theo kế hoạch hàng năm, các cơ sở đào tạo đều được phê duyệt phát triển hệ thống giáo trình theo ngân sách nội bộ. Do đó, các cơ sở đào tạo cũng cần sớm có chiến lược bổ sung thêm tài liệu giáo trình. Hiện nay, mặc dù còn thiếu nhưng cơ bản các giáo trình đại cương về ASXH đã có. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nên tập trung hoàn thiện và phát triển các giáo trình theo hướng chuyên sâu về ASXH.

Hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc đào tạo sau đại học trong lĩnh vực an sinh xã hội: Tạo cơ chế cho phép người học tham gia đấu thầu đề tài từ cấp Bộ trở lên. Đơn vị đào tạo sẽ là nơi đứng ra bảo đảm cho việc ký hợp đồng nghiên cứu. Nếu đấu thầu thành công, người học có thể sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài đó thay cho luận văn hoặc luận án tốt nghiệp. Tuy nhiên, để được thừa nhận, người học cần là người viết báo cáo tổng hợp của đề tài đó.

Tạo cơ chế cho phép giáo viên tham gia giảng dạy, đồng thời đang làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước được quyền giao đề tài nhánh cho người học thực hiện. Tùy theo tính chất của đề tài nhánh, hội đồng khoa học xác định đề tài này tương đương với luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ. Các đề tài này được cung cấp trên mạng nội bộ cho người học lựa chọn. Kết quả thực hiện các đề tài nhánh này được sử dụng thay thế cho luận văn, luận án tốt nghiệp.

Tạo cơ chế liên kết (trong nước, quốc tế) giữa hai hoặc nhiều cơ sở đào tạo cùng tham gia đào tạo sau đại học về ASXH. Đề xuất mở mã ngành đào tạo Theo Điều 3 Thông tư số 02/2022/TTBGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định điều kiện, trình tự thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến, để mở ngành đào tạo cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ.

TS. Nguyễn Trung Hải cũng cho biết, hiện nay ASXH chưa có trong mã ngành đào tạo. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm có chủ trương và kế hoạch giao cho một cơ sở đào tạo viết đề xuất mở ngành ASXH. Có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ưu tiên phê duyệt khung trình khung đào tạo về chương trình sau đại học ASXH. Tuy nhiên, cần lưu ý việc mở ngành sẽ thuận tiện hơn nhiều nếu nguồn nhân lực và giáo trình tài liệu đã được đảm bảo.

Có thể thấy, đào tạo sau đại học trong lĩnh vực ASXH là nhu cầu cần thiết với các cơ sở đào tạo hiện nay. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng hệ thống cơ sở đào tạo như tổ chức bộ máy, chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên và giáo trình tài liệu, các yếu tố này làm ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình xây dựng và đào tạo sau đại học về lĩnh vực ASXH. 

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo sau đại học về ASXH, một số giải pháp quan trọng đã được đề xuất như cần xây dựng nội dung đào tạo phù hợp, huy động các nguồn lực để thực hiện đào tạo sau đại học về ASXH, tiếp đó cần phát triển đội ngũ giảng viên và cuối cùng là phát triển hệ thống giáo trình, tài liệu ASXH. Nếu những giải pháp này sớm được triển khai thì sự có mặt của ASXH trong mã ngành đào tạo sẽ sớm thành hiện thực.

Hồ Hương