PHÂN CẤP VÀ TRAO QUYỀN MẠNH MẼ CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

23/12/2023

Đóng góp ý kiến về xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở quốc gia và Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, nhiều chuyên gia, nhà quản lý kiến nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ nét hơn nữa nội dung về phân cấp, trao quyền cho địa phương trong quản lý đô thị.

Đóng góp ý kiến về xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở quốc gia và Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM bày tỏ hoan nghênh khoản 4 Điều 36 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại là nhà đầu tư “4. Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư đích dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai”.

Tuy nhiên, để bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, chuyên gia đề nghị sửa đổi Điều 127 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc “sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất” bao gồm trường hợp nhà đầu tư “có đất khác không phải là đất ở” và đề nghị sửa đổi Điều 158 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “các phương pháp định giá đất, áp dụng phương pháp định giá đất”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM

Trong đó, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đề nghị mở rộng các trường hợp áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất” không phân biệt dự án có giá đất dưới hoặc trên 90 tỷ đồng theo Bảng giá đất để định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, để “luật hoá” Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và để “công thức hóa” việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án, vừa bảo đảm không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, vừa minh bạch, dễ hiểu, dễ làm, loại trừ được cơ chế “xin - cho”, tham nhũng, tiêu cực và cả Nhà nước, nhà đầu tư đều có thể “tiên lượng” trước giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp vào ngân sách nhà nước, để nhà đầu tư có căn cứ xem xét quyết định đầu tư hay không đầu tư.

Các chuyên gia cũng đề nghị bổ sung quy định “đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không thuộc diện phải bàn giao cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý theo nội dung chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư phải thực hiện đầu tư xây dựng và được quyền sở hữu, khai thác sử dụng, kinh doanh theo đúng mục đích và công năng đã được phê duyệt” vào khoản 3 Điều 37 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án và cam kết với khách hàng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị “luật hoá” Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị chủ trương “thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị” vào khoản 4 Điều 37 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đề nghị sửa đổi đồng bộ một số quy định có liên quan của Luật Xây dựng, Nghị định 15/2021/NĐ-CP, Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng để đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động cho các địa phương trong công tác quản lý đô thị, nhà ở, xây dựng trên địa bàn cấp tỉnh.

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, nhiều chuyên gia đề nghị sửa đổi quy định về “điều kiện về thu nhập” của “các đối tượng để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập hoặc chịu thuế thu nhập bậc 1 theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương” để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/06/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tăng thêm “mức giảm trừ gia cảnh” khoảng 25%, như sau:

 “Điều 1. Mức giảm trừ gia cảnh Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau: 1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 13-14 triệu đồng/tháng (Ghi chú: 156-168 triệu đồng/năm); 2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,8 5,5 triệu đồng/tháng”.

Để bảo đảm tính đồng bộ, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi bậc chịu thuế thu nhập cá nhân “Bậc 1: 60 triệu đồng/năm” tăng thêm khoảng 25%, lên mức “Bậc 1: 75 triệu đồng/năm” để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cũng có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản “thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng” hoặc “thu nhập từ kiều hối”, như sau: “Điều 4. Miễn thuế thu nhập cá nhân (…) 7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng theo quy định của Chính phủ; 8. Thu nhập từ kiều hối theo quy định của Chính phủ”.

Các chuyên gia đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định cơ chế hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân là chủ nhà trọ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê phòng trọ. Các chủ nhà trọ là lực lượng chủ lực đã trực tiếp giải quyết chỗ ở cho thuê cho đông đảo công nhân, lao động và người nhập cư tại các khu đô thị và các tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, điển hình là thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động (chưa bao gồm các hộ gia đình dành một vài phòng cho thuê), mà theo khảo sát của Liên đoàn Lao động Thành phố thì với chi phí thuê phòng trọ khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng nhưng số tiền thuê nhà đã chiếm tới 25-30% thu nhập của người lao động và có khoảng 60% người lao động chỉ có nhu cầu thuê ở trong thời gian 10-15 năm làm việc tại thành phố, có tích lũy chút vốn rồi sau đó trở về quê. Các chủ nhà trọ hiện phải chịu mức thuế khoán 7%/doanh thu cho thuê và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở do Luật Nhà ở chưa quy định.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định “khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội”.

Hồ Hương