HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH: ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC VÀO QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

06/02/2024

Năm 2023 là năm giữa của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phát huy những kết quả đạt được, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần thiết thực tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cũng như đóng góp vào những thành công chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

10 SỰ KIỆN, HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM NĂM 2022

GÓC NHÌN: 08 ''ĐIỂM NHẤN'' TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) 2024 ĐÃ ''THỂ CHẾ HOÁ'' RÕ NÉT NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW CỦA TRUNG ƯƠNG

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 -2026 

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhiệm kỳ 2021 -2026 được thành lập theo Nghị quyết số 287/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/9/2021. Hội đồng khoa học gồm 27 thành viên là đại diện các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, Văn phòng Quốc hội và những chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn phù hợp, nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học đã và đang hoạt động ở trong, ngoài các cơ quan của Quốc hội.

Nhiệm vụ của Hội đồng khoa học được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 1227 của UBTVQH và Nghị quyết số 01/NQ-HĐKH15 ngày 13/10/2021 của Hội đồng khoa học ban hành Quy chế hoạt động của UBTVQH, bao gồm: Thảo luận, xem xét định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; Tư vấn về danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm; Nghiên cứu, tham mưu, đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luât, các vấn đề quan trọng của đất nước… và thực hiện các nhiệm vụ khác do UBTVQH, cơ quan có thẩm quyền giao.

Tiếp nối những kết quả đạt được, năm 2023 Hội đồng khoa học của UBTVQH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực hiện đúng yêu cầu và kế hoạch đề ra. Hội đồng khoa học đã có nhiều đổi mới về hình thức, cách thức hoạt động; tích cực triển khai các hoạt động như: tổ chức các phiên họp cho ý kiến về những vấn đề khó, phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau của các dự án luật, cho ý kiến về Danh mục các nhiệm vụ khoa học; thành viên Hội đồng khoa học tham gia các Hội đồng tư vấn đánh giá nhiệm vụ khoa học, tham gia viết các báo cáo nghiên cứu góp ý vào dự thảo luật…

Có thể nói, Hội đồng khoa học đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH; góp phần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đóng góp thiết thực về mặt khoa học trong quá trình hoàn thiện các dự luật

Trong năm 2023, tại Phiên họp thứ năm của Hội đồng khoa học đã góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật khó, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, có tầm tác động, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đến người dân. Theo đó, các thành viên hội đồng khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự đã có những góp ý rất cụ thể, sâu sắc và tâm huyết vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dựng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Hội đồng khoa học cũng đã có những nhận định về việc cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng; phải bảo đảm tính thống nhất, khả thi của dự thảo luật; cần đưa ra các nguyên tắc sử dụng đất; cần có nội dung kiểm soát quyền lực và cần có những tiêu chí đặt ra trong việc xem xét hoàn thiện dự thảo Luật.

Phiên họp thứ V Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp đó, tại Phiên họp thứ sáu, các thành viên Hội đồng khoa học đã trao đổi, thảo luận, có các ý kiến thiết thực, góp ý cho Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Hội đồng khoa học đề nghị Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Luật, cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ hơn nữa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến sở hữu nhà ở; chính sách về nhà ở xã hội, quản lý; sử dụng nhà ở, nhất là nhà chung cư; vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở…. Đồng thời, Hội đồng khoa học đã có những nhận định, yêu cầu đối với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đó là, phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật có liên quan nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Phiên họp thứ bảy của Hội đồng khoa học tiếp tục lấy ý kiến thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến góp ý cụ thể các nội dung của dự thảo, yêu cầu dự thảo Luật cần được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Hội đồng khoa học nhận định, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có liên quan mật thiết đến các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành, vì vậy, Hội đồng khoa học đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát, tránh mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình thực thi. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, bảo đảm phù  hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Ngoài ra, Hội đồng khoa học đã góp ý kiến nhiều vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như:về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chế độ bảo hiểm xã hội; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội, các hành vi bị nghiêm cấm;…

Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Như vậy, với cách thức tổ chức linh hoạt, đa dạng, vừa theo phương thức họp toàn thể, vừa theo phương thức xin ý kiến bằng văn bản đã mang lại hiệu quả rõ nét trong hoạt động của Hội đồng khoa học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu giúp UBTVQH. Nhiều ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng khoa học rất tâm huyết, có tính khoa học, phản biện và mang tính xây dựng cao. Các ý kiến góp y của thành viên Hội đồng khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học được mời tham dự đã được đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh hình thức tổ chức các phiên họp toàn thể của Hội đồng khoa học để cho ý kiến vào những nội dung khó, phức tạp, một số thành viên Hội đồng đã tham gia làm Chủ nhiệm đề tài năm 2024 và thành viên các Ban Chủ nhiệm đề tài; tham gia nghiệm thu, phản biện; tham gia góp ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội trong năm 2023.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2023, trên cơ sở bám sát vào các hoạt động của Quốc hội, trong năm 2024, Hội đồng Khoa học sẽ tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ để nghiên cứu, tư vấn và tham mưu giúp UBTVQH trong việc chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án luật khó, phức tạp, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho UBTVQH; tổ chức đầy đủ các phiên họp theo đúng Chương trình công tác; tiếp tục cải tiến, đổi mới, tổ chức các hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng hóa các hoạt động. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Xem xét, định hướng nghiên cứu khoa học

Trong năm 2024, Hội đồng khoa học tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xem xét định hướng nghiên cứu khoa học, sớm ban hành Nghị quyết về Định hướng nghiên cứu khoa học, làm căn cứ cho các cơ quan của Quốc hội đề xuất nhiệm vụ khoa học trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính cấp thiết. Hội đồng khoa học tiếp tục xem xét, phân tích, góp ý kiến về mặt khoa học, sự cần thiết, tên gọi, tính mới, tính cấp thiết của từng nhiệm vụ khoa học để thông qua Danh mục nhiệm vụ khoa học, làm căn cứ cho việc thực hiện quy trình tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu của đề tài, thành viên Hội đồng khoa học tiếp tục tham gia là chuyên gia góp ý cho các báo cáo nghiên cứu của đề tài; tham gia làm chuyên gia của các cuộc hội  thảo, tọa đàm của đề tài; tham gia là thành viên, phản biện của các Hội đồng tư vấn, nghiệm thu đề tài.

 Góp ý chuyên sâu vào các dự án luật phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau

Trong năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến 11 dự án luật, thông qua 18 dự án luật, 01 nghị quyết của Quốc hội. Căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng khoa học sẽ tổ chức các Phiên họp góp ý vào các dự án luật phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau… Bên cạnh việc tổ chức các Phiên họp thường niên theo kế hoạch của Hội đồng khoa học để góp ý trực tiếp vào các dự án luật, các vấn đề quan trọng, Hội đồng khoa học tăng cường tổ chức thêm các cuộc họp chuyên sâu để cho ý kiến ngay, kịp thời vào các vấn đề nổi cộm, cấp thiết, còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời, tăng cường xem xét, lựa chọn các vấn đề đang nổi cộm, bức xúc, các vấn đề “nóng” trong chương trình nghị sự của Quốc hội, UBTVQH để đưa nội dung này thảo luận tại các phiên họp chuyên sâu, trên cơ sở đó đưa ra các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, tham mưu cho UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hội đồng khoa học tiếp tục tăng cường thực hiện phương thức xin ý kiến bằng văn bản các nội dung còn có ý kiến khác nhau; tiếp tục thực hiện phương thức đặt hàng các thành viên Hội đồng khoa học, các nhà khoa học viết các báo cáo chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, bám sát vào những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục huy động trí tuệ, sự đóng góp của các thành viên Hội đồng khoa học tham gia các hoạt động như xây dựng, cho ý kiến về các báo cáo nghiên cứu; tham gia làm chuyên gia của các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học góp ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và các thành viên chụp ảnh lưu niệm tại Phiên họp thứ tám

Tăng cường đóng góp về mặt khoa học đối với các nội dung, vấn đề UBTVQH xem xét, cho ý kiến

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH tăng cường mời các thành viên Hội đồng khoa học tham gia sâu vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan để tăng cường sự đóng góp về mặt khoa học đối với các nội dung, vấn đề của UBTVQH cần xem xét, cho ý kiến; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp để Viện có thể kịp thời tham mưu tổ chức các phiên họp của Hội đồng khoa học cho ý kiến vào các dự án luật khó, phức tạp.

Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của Viện Nghiên cứu lập pháp, tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Hội đồng khoa học thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác