CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

27/02/2024

Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ và rộng khắp và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần chú trọng công tác phòng ngừa để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: COI TRỌNG CẢ PHÒNG VÀ CHỐNG, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ PHÒNG CHỐNG TIÊU CỰC

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực

Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ và rộng khắp. Từ Trung ương đến địa phương, mọi cấp, mọi ngành và toàn hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc, tạo nên sự đồng lòng, thống nhất cao trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm minh, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cán bộ "không thể, không dám và không muốn” tham nhũng là mục tiêu mà Trung ương và các cấp, các ngành đang nỗ lực hướng đến. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước đến mỗi người dân. Tại các phiên thảo luận trên nghị trường Quốc hội, vấn đề phòng chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, góp phần làm “nóng” nghị trường và thể hiện quyết tâm cao trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2023, đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ hoàn toàn đồng tình với Báo cáo và báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 được nêu trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Theo đó, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả công tác phòng chống tham nhũng đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng, có hiệu quả của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án và các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương.

Theo đại biểu Trần Công Phàn, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý cá nhân, tập thể vi phạm. Những vụ đại án đã được phát hiện, xử lý rất nghiêm túc. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực lâu nay vốn được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng, kéo dài. Các vụ án này thực hiện đúng phương châm “chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh, một điểm mới đáng ghi nhận đó là, nếu như trước đây khi phát hiện những sai phạm, những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, để có thể khởi tố, điều tra, xử lý hình sự được thì phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, thường mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, vấn đề này thời gian gần đây được cải thiện rất nhiều, trong nhiều vụ khi phát hiện có cán bộ, đảng viên sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực quy trình từ xem xét kỷ luật đến khởi tố, điều tra của các cơ quan chức năng rất nhanh, thậm chí là thực hiện khởi tố, điều tra song song với việc xem xét kỷ luật; hoặc khởi tố trước, xem xét kỷ luật sau.

Đại biểu nêu rõ, những vụ án, đại án trên một lần nữa cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào", như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu.

Cần chú ý hơn đến công tác phòng ngừa tham nhũng

Khẳng định các cơ quan tư pháp đã đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực, thế nhưng tội phạm vẫn gia tăng nhiều, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng cần chú ý hơn đến công tác phòng ngừa, tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa. Đây không phải trách nhiệm chỉ của các cơ quan pháp luật, các cơ quan tư pháp mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan, các cấp, các ngành.

Theo đại biểu, xã hội có hai loại hiện tượng "tích cực" và "tiêu cực". Nếu làm giảm tiêu cực thì có thể tấn công trực tiếp vào tiêu cực, nhưng có những biện pháp chúng ta phải tăng tích cực lên. Khi tích cực tăng thì sẽ giảm được tiêu cực chứ không phải chỉ tập trung vào các biện pháp nhằm giảm tiêu cực một cách trực tiếp. Do đó, đại biểu đề nghị phải rất chú ý đến việc này và đến lúc phải tổ chức nghiên cứu căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa.

Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là phải có một hệ thống quy định pháp luật thật chặt chẽ để cho cán bộ không thể, không có điều kiện để tham nhũng. Đặc biệt, cần lưu ý hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, cần phải có cơ chế, chính sách đối với cán bộ; việc sử dụng đội ngũ cán bộ; quản lý cán bộ như thế nào để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng. Do đó, công tác phòng ngừa rất quan trọng. Bởi, nếu đã tham nhũng, gây thiệt hại nặng nề và bị xử lý nghiêm thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Điều cần thiết là phải xử lý được từ gốc.

TS.Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp 

Cùng quan tâm đến cơ chế phòng ngừa tham nhũng, TS.Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần có cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể cần nâng cao hiệu quả công tác phản biện chính sách, pháp luật.

Theo TS.Nguyễn Đình Quyền, phản biện chính sách, pháp luật là một khâu đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Trong quản lý nhà nước người ta vẫn thường nói quản lý mà không có kiểm tra thì coi như không có quản lý. Tương tự như vậy trong xây dựng pháp luật mà không có phản biện chính sách, pháp luật thì cũng coi như không có hoạch định hoặc chính sách, pháp luật được hoạch định sẽ mang nhiều rủi ro, sai lầm, chứa đựng lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực. Chính vì lẽ đó mà phản biện chính sách, pháp luật luôn là một khâu, một công đoạn quan trọng không thể thiếu trong việc hoạch định, quyết định chính sách, pháp luật.

TS.Nguyễn Đình Quyền cho rằng, phản biện chính sách, pháp luật được thực hiện trên hai phương diện:

Thứ nhất, phản biện chính sách, pháp luật mang tính quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước do các tổ chức, cơ quan của Đảng và Nhà nước có thẩm quyền thực hiện, như hoạt động phản biện chính sách do các Ban, tổ chức của Đảng thực hiện; phản biện chính sách, pháp luật do Bộ Tư pháp thực hiện với chức năng thẩm định tất cả các dự án văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan của Chính phủ soạn thảo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định, hoặc các bộ, ngành ban hành. Phản biện chính sách, pháp luật thông qua thực hiện chức năng thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đối với các dự án luật; chức năng thẩm tra của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội đối với tất cả những dự án văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật hoặc chức năng của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án trước khi trình Quốc hội; hoạt động của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật cũng là những hoạt động mang tính phản biện chính sách, pháp luật mang tính quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.v.v... có thể nói đây là phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ hai, phản biện chính sách pháp luật mang tính khoa học, độc lập, khách quan và trung lập do các viện nghiên cứu, tạp chí khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, nhà quản lý, các phương tiện thông tin đại chúng v.v... thực hiện. Đây đây là các hoạt động phản biện chính sách, pháp luật không mang tính quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không thể thiếu trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng cho đến nay hoạt động này còn rất tự phát, không mang tính bắt buộc, hiệu quả chưa cao do thiếu những cơ chế vận hành, huy động, tổ chức, phối hợp thực hiện có hiệu quả.

Yêu cầu khách quan của công tác xây dựng pháp luật luôn đòi hỏi việc nâng cao chất lượng phản biện chính sách, pháp luật của cả hai phương diện và sự đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ, khoa học giữa hai phương diện phản biện mang tính quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và phản biện mang tính khoa học, độc lập, khách quan, trung lập để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, tạo cơ chế phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đang đặt ra ngày càng cao, ngày càng bức thiết.

Hồ Hương