ĐBQH LÃ THANH TÂN: ĐỊNH HƯỚNG, XÂY DỰNG CƠ CẤU TUYỂN SINH GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

02/03/2024

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, xây dựng cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

ĐBQH LÃ THANH TÂN: ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN QUY ĐỊNH CAN THIỆP SỚM TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

 Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân -  Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng 

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân cho biết, Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có đánh giá: cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chủ yếu là sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm hơn 80%): cao đẳng, trung cấp (chiếm khoảng 20%).

Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, có phải do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước tạo ra sự chênh lệch trong cơ cấu như trên hay do chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN thấp? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, xây dựng cơ cấu tuyển sinh GDNN và đánh giá nhu cầu đào tạo nhân lực?

Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có Văn bản số 3134/LĐTBXH-VP nêu rõ:

Đào tạo các cấp trình độ trong GDNN phụ thuộc và đáp ứng theo nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động

Theo Báo cáo khảo sát doanh nghiệp năm 2020 của Viện Khoa học GDNN, trong số khoảng 2,23 triệu lao động qua đào tạo nghề đang làm việc trong các doanh nghiệp thì có 55,2% có trình độ cao đẳng trở lên, 29,6% có trình độ trung cấp, khoảng 15% có trình độ sơ cấp. Như vậy, có thể thấy cơ cấu tuyển sinh, đảo tạo các trình độ trong GDNN không phản ánh nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và cũng không phản ánh chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN. Cơ cấu lao động của thị trường lao động hình thành do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, việc đào tạo các cấp trình độ trong các cơ sở GDNN phụ thuộc và đáp ứng theo nhu cầu của người học và theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc số lượng người học trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo báo cáo cao hơn nhiều so với trình độ trung cấp, cao đẳng chủ yếu do trong số này bao gồm cả việc đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp, đào tạo nghề cho Lao động nông thôn theo Đề án của Chính phủ.

Trên thực tế, mặc dù nhu cầu sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật ở trình độ trung cấp, cao đẳng của doanh nghiệp và thị trường lao động là cao nhưng việc tuyển sinh, đào tạo các trình độ này còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người học lựa chọn việc học đại học thay vì học trung cấp, cao đẳng hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo.

 Tăng cường chỉ đạo công tác phân luồng, hướng nghiệp 

Theo số liệu thống kê về công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng trong những năm vừa qua cho thấy số lượng người học vào học ở 2 cấp trình độ này thường trong khoảng 400 - 500 ngàn người/năm, số liệu này cũng tương đương và ngang bằng với số lượng người vào học ở trình độ đại học. Như vậy, có thể thấy rõ sự bất cập trong cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực nói chung trong hệ thống đào tạo hiện nay để cung ứng cho thị trường lao động.

Chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN trong những năm qua đã được khẳng định trong nước, khu vực và thị trường quốc tế. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay trung bình toàn quốc đạt trên 85%. Có nhiều lĩnh vực ngành, nghề cung còn thiếu cầu như: Công nghệ kỹ thuật; Logistics; Du lịch, dịch vụ; Năng lượng...

Để khắc phục tình trạng này, trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phân luồng, hướng nghiệp người học vào học các trình độ trong các cơ sở GDNN theo tinh thần của Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 27/3/2017 và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” để qua đó công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp Đứng đúng với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Các quy định ưu tiên về tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, loại hình tuyển sinh... được quy định đầy đủ trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDNN; đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng nhằm tạo cơ hội và sự công bằng cho các đối tượng chính sách, vùng miền, đặc thù đã được quan tâm, điều chỉnh./.

Lê Anh