Toàn cảnh Phiên họp
Bám vào mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và chỉ đạo của UBTVQH
Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định Phiên họp hết sức ý nghĩa, các ý kiến phát biểu cơ bản được tiếp thu đầy đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh quan điểm là cần bám vào mục đích, yêu cầu xây dựng Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và quan điểm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cần lưu ý các quan điểm sau:
Thứ nhất, cần kiên trì quan điểm là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Thứ hai, kiên trì đáp ứng yêu cầu đổi mới của hoạt động giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật phải có cái mới hoặc cái cũ làm chưa tốt thì cần làm rõ, cần đổi mới để làm cho tốt hơn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp
Thứ ba, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm đúng và có sự đồng thuận cao thì cần được luật hóa.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo cố gắng tham gia với tinh thần mẫu mực cả về quy trình, về nội dung, cách làm, mẫu cả về tinh thần trách nhiệm. Chia sẻ với những vất vả của Ban Chỉ đạo vì đây là lần đầu tiên cơ quan của Quốc hội tham gia biên soạn Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có cách làm khoa học, bài bản, chắc chắn, công phu, nghiêm túc và khách quan.
Thứ năm, đổi mới nhưng tránh tình trạng “luật khung, luật ống” và phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. “5 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới hoạt động giám sát, cần rà soát xem cái gì cần đổi mới để luật hóa, cái gì vẫn ở tầm Nghị quyết”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Lưu ý sự thống nhất biện chứng giữa các báo cáo
Về hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần chuẩn bị đầy đủ. Riêng báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ và một số vấn đề lớn qua các Hội thảo tham vấn ý kiến cần tóm gọn lại, những vấn đề đã tiếp thu thì nghiên cứu xem tiếp thu theo hướng nào, những vấn đề cần đề xuất thì phải giải trình cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cần lưu ý sự thống nhất biện chứng với nhau giữa báo cáo tổng kết, cơ sở thực tiễn của Tờ trình và báo cáo đánh giá tác động chính sách, tránh việc không khớp, không thống nhất giữa các báo cáo, nhất là những vấn đề bất cập của Luật thì cần viết rõ.
Đồng thời đề nghị cần bổ sung Phụ lục, nhóm công việc cần xử lý, trong đó cần hệ thống lại 5 chính sách, từng chính sách sửa bao nhiều khoản, cần sắp xếp theo trình tự; thống nhất sửa bao nhiêu điều, khoản, điểm. “Cần thống kê 5 nhóm chính sách đó tiếp thu được bao nhiêu bất cập trong báo cáo đánh giá, luật hóa được bao nhiêu vấn đề trong 5 Nghị quyết của UBTVQH và quy định mới được bao nhiêu vấn đề”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Với những yêu cầu bổ sung đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập hoàn chỉnh Tờ trình, báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo tiếp thu, giải trình sao cho rõ ràng, rành mạch để báo cáo UBTVQH. Và phần đề xuất với UBTVQH cần tập trung vào vấn đề gì thì cần nghiên cứu thêm.
Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình UBTVQH
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê cảm ơn ý kiến phát biểu chỉ đạo cụ thể của Phó Chủ tịch quốc hội Trần Quang Phương về các khâu chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Từ bộ tài liệu mới nhất về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật mà các đại biểu đã nghiên cứu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý cụ thể vào các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, qua đó làm cơ sở cho Tổ Biên tập tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp
“Mặc dù rất nỗ lực nhưng do đây là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia quá trình xây dựng luật nên còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp thu và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng Đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cố gắng làm sao mẫu mực, chuẩn, sát, rõ, với tinh thần xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã chín, đã rõ, được kiểm nghiệm và có sự đồng thuận cao”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau Phiên họp này, Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập sẽ tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu, rà soát các nội dung để cụ thể hóa; mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập tiếp dành thời gian quan tâm để thực hiện đúng thời gian theo yêu cầu của UBTVQH. Đồng thời cảm ơn các ý kiến tham gia phát biểu tại Phiên họp rất trách nhiệm và nhiệt tình.
Trước đó, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đồng thời đề nghị cần luật hóa nội dung giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu HĐND và chính sách thuê chuyên gia tư vấn cho giám sát của HĐND.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp
Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vấn đề nào đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm đúng và có sự đồng thuận cao thì cần được luật hóa.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu mở đầu Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày Báo cáo nội dung trọng tâm và Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý nội dung thảo luận
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp
Các thành viên Tổ Biên tập tham dự Phiên họp./.