Đại hội đồng AIPA 33 tiến hành Phiên họp các Ủy ban và đối thoại với các nước Quan sát viên

21/09/2012

Ngày 19.9, tiếp tục chương trình làm việc, Đại hội đồng AIPA 33 đã tiến hành phiên họp các Ủy ban: Ủy ban các vấn đề Chính trị, Ủy ban các vấn đề Kinh tế, Ủy ban các vấn đề Xã hội và Ủy ban các vấn đề Tổ chức.

Tại phiên họp của Ủy ban các vấn đề Xã hội, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nội dung: nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia của công chúng vào các chương trình liên quan tới giảm nhẹ nguy cơ thiên tai và ứng phó khẩn cấp nhằm thúc đẩy sự phục hồi của cộng đồng trước thiên tai; thúc đẩy phát triển và chuyển giao nghiên cứu công nghệ cacbon thấp, thân thiện môi trường. Đối với chủ đề giảm nhẹ thiên tai, các đại biểu cho rằng, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, các quốc gia thành viên AIPA đều chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh xã hội bao gồm lĩnh vực: y tế, an ninh, nguồn cung cấp thực phẩm, nước và vệ sinh môi trường. Do đó, Nghị viện và Chính phủ các nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết cho công chúng về những nỗ lực giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, việc nhận thức và hiểu biết của công chúng về cứu trợ thiên tai, bao gồm xây dựng kiến thức cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng thích ứng biến đổi khí hậu là rất quan trọng trong nỗ lực giảm nhẹ nguy cơ thiên tai. Phát biểu tại phiên họp, Đoàn ĐBQH Việt Nam cho rằng, để nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai, cần lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực. Ngoài ra, cần chú trọng thích đáng đến công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, không nên chỉ tập trung vào công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường chất lượng của công tác thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai.  Với chủ đề thúc đẩy xây dựng và chuyển giao nghiên cứu công nghệ thân thiện với môi trường và cacbon thấp, Đoàn ĐBQH Việt Nam cho rằng, Nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghệ thân thiện với môi trường, tạo hành lang pháp lý cho Chiến lược tăng trưởng xanh thông qua các ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp chuyển đổi, cải tiến công nghệ thân thiện với môi trường, có hàm lượng cacbon thấp.

 

Thảo luận về chiến lược xóa đói giảm nghèo và khung thể chế vì sự phát triển bền vững, các đại biểu tham dự phiên họp của Ủy ban các vấn đề Kinh tế đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc nâng cao vị thế cho các vùng có thu nhập thấp trong các quốc gia thành viên AIPA thông qua điều phối các chương trình phát triển hướng tới thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đồng thời, bày tỏ sự quan ngại về chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng phát triển các kỹ năng không tương xứng ở các quốc gia ASEAN kém phát triển làm cản trở đối với sản xuất và phúc lợi xã hội cho người dân trong khu vực. Do đó, các quốc gia thành viên ASEAN cần xúc tiến việc thực thi toàn diện Khung thể chế Kế hoạch Hành động của ASEAN về phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo (giai đoạn 2011-2015), giúp xóa đói giảm nghèo và khuyến khích tạo ra các cộng đồng nông thôn tự lực, nhằm tạo động lực cho việc nâng cao vị thế, năng lực kinh tế cho người nghèo. ASEAN cần đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ lẫn nhau thông qua việc hỗ trợ cho các dự án phát triển ở các quốc gia kém phát triển trong ASEAN bằng các khoản vay ưu đãi hoặc trợ cấp, chuyển giao kinh nghiệm kỹ năng và công nghệ có liên quan về xóa đói giảm nghèo, bao gồm cung cấp vốn cho phát triển bền vững. Nghị viện các nước thành viên AIPA cần tăng cường các hoạt động lập pháp cần thiết, hình thành các chính sách chung và giám sát việc thực thi các chương trình xóa đói giảm nghèo, cũng như đưa ra các yêu cầu đối với Chính phủ mỗi nước báo cáo việc sử dụng ngân sách và các kết quả đạt được trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

 

Trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban các vấn đề Kinh tế, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tạo dựng một nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững; bảo đảm tiếp cận tốt hơn với công nghệ, thị trường và đặc biệt là nguồn vốn như các chương trình được quốc tế cấp vốn thông qua các chương trình cấp khu vực dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

 

Tại phiên họp Ủy ban các vấn đề Chính trị, các đại biểu thảo luận về việc khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện các sáng kiến về nâng cao nhận thức công chúng và phát huy sự tham gia của xã hội dân sự vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN...

 

Tại phiên họp Ủy ban các vấn đề Tổ chức, các đại biểu thảo luận về: Mạng lưới Bảo vệ Động vật Hoang dã ASEAN và Quỹ Freeland về hợp tác kỹ thuật với AIPA nhằm xây dựng một định hướng lập pháp xanh nhằm ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học của ASEAN; thiết lập hợp tác giữa AIPA và Quỹ ASEAN; Quan hệ và hợp tác giữa AIPA và Nghị viện châu Phi...

 

+ Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 33 đã diễn ra các phiên đối thoại với các nước Quan sát viên của AIPA gồm: Belarus, Australia, Canada, Trung Quốc, Nghị viện châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên bang Nga. Tại các phiên đối thoại, các đại biểu đã trao đổi về các chủ đề: phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực; thúc đẩy phối hợp nghiên cứu và chuyển giao chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và lâm nghiệp; vấn đề năng lượng và các khía cạnh liên quan tới môi trường; tăng cường các nỗ lực giải quyết các nhu cầu thích nghi với biến đổi khí hậu; nâng cao hợp tác nghị viện giữa các thành viên và các nước Quan sát viên của AIPA...

 

 + Tối cùng ngày, Ủy ban Thông cáo chung đã họp để xem xét, thảo luận về dự thảo Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA 33 với sự tham dự của đại diện 10 nghị viện thành viên AIPA.

Quang Khánh

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác