Chung sức đồng lòng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

21/09/2024

Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vừa kết thúc và thành công rất tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra, thống nhất những nội dung quan trọng để tăng tốc “về đích” thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII; công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngay trong diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: Chúng ta xác định Đại hội XIV là Đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Và kết thúc hội nghị, Trung ương đã thống nhất đánh giá: Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đang nỗ lực hoàn thành những nền tảng rất quan trọng để tạo đà khi bước vào kỷ nguyên mới với đường lối đúng đắn. Vậy cơ sở nào để khẳng định điều này và kỷ nguyên mới sẽ là gì, chúng ta phải làm gì là vấn đề hết sức hệ trọng, cấp bách.

Thế và lực của đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc Đổi mới gần 40 năm qua của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào năm 2023, GDP bình quân đầu người đã đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nổi bật về nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong số các quốc gia đang phát triển.

Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy.

Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Việt Nam hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gấp nhiều lần trong gần 40 năm qua. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.

Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Với đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Hòa quyện ý Đảng và lòng dân

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: Đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Đến nay, chỉ còn hơn 1 năm nữa Đại hội XIV của Đảng sẽ diễn ra, bối cảnh trong và ngoài nước cho phép cũng như đòi hỏi chúng ta phải hành động mạnh mẽ, quyết tâm đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới.

Nhìn lại những thành tựu đạt được đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực, chúng ta cũng thấy rằng, sau chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, bối cảnh thế giới trở thành đơn cực do Mỹ đứng đầu. Sau sự kiện 11/9/2001 và đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cục diện thế giới có sự thay đổi theo hướng đa cực. Thời gian gần đây, thế giới đa cực được bổ sung thêm một cực mới có thể gọi là cực Phương Nam, đó là cực của các nước còn lại.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)… tạo ra những cơ hội bứt phá. Một số dự báo cho rằng thế giới đang bước sang một thập kỷ tăng trưởng mới. Các nước đều đang tận dụng cơ hội này để tăng tốc phát triển. Do vậy, Việt Nam cũng cần có chiến lược để bứt phá, đưa nền kinh tế vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.

Kỷ nguyên mới đòi hỏi chúng ta phải có tư duy toàn cầu, tận dụng tối đa những cơ hội do dịch chuyển nguồn lực quốc tế mang lại. Ở kỷ nguyên mới này, con người và thiên nhiên hòa hợp hơn, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ là thu nhập cao hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị chu đáo cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, trước hết là nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người.

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025; là nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng tới 100 năm thành lập nước. Mục tiêu này cần phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với giải pháp thực hiện hiệu quả nhất, bảo đảm phải đạt và phấn đấu vượt các mục tiêu đề ra.

Ý Đảng và lòng dân hòa quyện trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, mà trước hết là thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với đường lối chính trị đúng đắn, hợp quy luật; luôn lấy việc phụng sự nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, hoạt động vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; được nhân dân hết lòng tin tưởng, bạn bè quốc tế ủng hộ, Đảng ta sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày càng trưởng thành, vững mạnh, trường tồn cùng dân tộc, hòa quyện trong lòng dân.

(Theo TTXVN)

Các bài viết khác