Ủy ban Xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023

27/09/2024

Sáng 27/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể thứ 13, Ủy ban Xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023 cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Các văn bản thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, cũng như điều kiện hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan điều hành nội dung thảo luận

Về tổ chức thực hiện, Bộ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn. Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt việc thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an thực hiện tiếp nhận dữ liệu khám sức khỏe, giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế tiến tới chia sẻ dữ liệu và liên thông trên ứng dụng VneID. Đây là một trong những bước tiến nhằm giảm thiểu các thủ tục phức tạp, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế, công tác quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đã được nâng cao, quỹ bảo hiểm y tế được bảo toàn và có kết dư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, công tác giám định đã phát huy được hiệu quả trong việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế, tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế giảm rõ rệt, giải quyết được cơ bản các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế còn một số bất cập. Về đối tượng và phát triển tham gia bảo hiểm y tế, một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện đúng theo quy định, dẫn đến một số tỉnh chậm chuyển kinh phí phần Ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong năm tài chính; Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng như người sử dụng lao động, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Việc xử lý hình sự về tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và khởi kiện của tổ chức công đoàn còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, giám định bảo hiểm y tế vẫn còn một số bất cập, dẫn đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa thống nhất với kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội, nảy sinh vướng mắc trong thanh toán góp phần ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế; các cơ sở y tế thường phải tập trung nhân lực vào phục vụ công tác giải trình kết quả giám định, tránh bị tạm dừng thanh toán và xuất toán. Một phần nguyên nhân là do nhân lực làm công tác giám định: được đào tạo chuyên môn về y tế còn hạn chế; chưa được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn, tiêu chí, chức danh nghề nghiệp; chưa thực hiện được phân cấp, phân quyền trong giám định bảo hiểm y tế.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như những nỗ lực của cơ quan có thẩm quyền trong tháo gỡ những bất cập tồn đọng về lĩnh vực này. Một số ý kiến cũng chỉ rõ, về y tế cơ sở, việc thụ hưởng quyền lợi của người dân còn ở mức thấp, tỷ lệ quỹ chia cho y tế cơ sở còn hạn chế, cần có sự quan tâm, chú trọng hơn nữa ở y tế cơ sở, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, tăng sự hấp dẫn, bảo đảm tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng cao và bền vững.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, hiện tượng thiếu thuốc, vật phẩm y tế vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả khám chữa bệnh, Cần có cách để chi trả, thanh toán cho những người dùng bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh nhưng không cung cấp đủ thuốc, vật tư y tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng việc tiêm chủng mở rộng quốc gia đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cần bố trí nguồn vốn hợp lý, thực hiện nhiệm vụ này một cách chủ động, đảm bảo đủ nguồn vắc xin để phòng dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt là nguồn vắc xin để tiêm chủng miễn phí cho trẻ em, đồng thời phải xây dựng, củng cố nguồn dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, tại phiên họp, Ủy ban Xã hội cũng cho ý kiến tham gia thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách./.

Hồ Hương - Minh Thành