Thảo luận Tổ 5: Đề xuất các giải pháp về thu, phân bổ ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội

26/10/2024

Trong Phiên thảo luận sáng 26/10 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các ĐBQH tại Tổ 5 đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của số thu NSNN những tháng cuối năm 2024; bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án giao thông; quan tâm đúng mức đến phát triển tài chính xanh…

Thảo luận Tổ 5: Bảo đảm chất lượng dữ liệu nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH đồng thuận với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đây là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã đạt được kết quả rất ấn tượng. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được như đề ra; nội dung còn bất cập nên đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của số thu NSNN những tháng cuối năm 2024

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, theo số liệu của Chính phủ, GDP bình quân đầu người không đạt chỉ tiêu. Do đó, cần làm rõ nguyên nhân không đạt và giải pháp để năm 2025 để chỉ tiêu này đạt yêu cầu.

Về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2024 đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% dự toán giao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Bão số 3 đã làm ảnh hưởng đến số thu của 26 địa phương và thực hiện một số chính sách giảm số thu NSNN. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của số thu NSNN những tháng cuối năm 2024.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đối với thu hồi vốn NSNN tại các tổ chức kinh tế ước thực hiện cả năm đạt 17,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm đã thu được 17,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, những tháng cuối năm chỉ thu được 0,1 nghìn tỷ nên đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân. Đối với thu viện trợ ước cả năm đạt 6,1 nghìn tỷ bằng 92,2% dự toán. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm thu được 0,45 nghìn tỷ, bằng 6,8% dự toán. Vì vậy, đề nghị làm rõ cơ sở và tính khả thi với số ước cả năm thực hiện.

Về giải ngân vốn đầu tư công đến nay chưa đạt 50% kế hoạch nên đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân kết quả giải ngân đạt thấp và giải pháp để từ nay đến hết năm hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch. Về nợ đọng xây dựng cơ bản, theo báo cáo của Kiểm toán, nợ đọng xây dựng cơ bản tại các bộ, ngành và địa phương đến ngày 31/12/2022 còn tương đối lớn, khoảng 14,75 nghìn tỷ đồng. Vì thế, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản tại các Bộ, ngành và địa phương.

Cho phép các địa phương được chủ động bố trí nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối

Đóng góp ý kiến về phát triển đầu tư hạ tầng, trong đó tập trung hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị Quốc hội nghiên cứu chỉ đạo Ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về nguyên tắc tiêu chí phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án giao thông, các tuyến đường tuần tra biên giới, kè sông suối biên giới…. đã được xác định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu đến năm 2030 phải hoàn thành, phù hợp với quy mô quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Nâng tỷ lệ dư nợ ngân sách địa phương, trong đó đối với các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc lên tối thiểu 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (Hiện nay, theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước: Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương thì mức dư nợ tối đa không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp). Quy định này cho phép các địa phương có thêm kênh huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, cho phép các địa phương được chủ động, thuận lợi trong việc bố trí nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối.

Mặt khác, cần quy định tỷ lệ vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc ở mức 10% (bằng với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được hưởng hiện nay). Nếu thực hiện chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng sử dụng nguồn lực, vốn đầu tư huy động để chi cho các dự án trọng điểm, dự án lớn, có tác động lan tỏa trên địa bàn. Ngoài ra, cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lên 70% (hiện nay quy định là không quá 50%) để đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các dự án hạ tầng giao thông vận tải của vùng và để tăng cường hoàn thiện khả năng liên kết vùng.

Cần quan tâm đúng mức đến phát triển tài chính xanh

Đóng góp ý kiến vào việc phát triển tín dụng xanh, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 nên đề nghị Chính phủ quan tâm đúng mức đến phát triển tài chính xanh, chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn mới là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu của Chiến lược bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các nền kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển trên thế giới (sau Brazil).

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động từ thị trường phi tín dụng nhưng nhìn chung, tín dụng xanh của ngân hàng vẫn là nguồn huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu. Một số hạn chế cần có quy định cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh như làm rõ tiêu chí xanh, thước đo môi trường, hệ sinh thái.

Trong Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 5 còn cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)...

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên thảo luận Tổ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Phiên thảo luận Tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

ĐBQH Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận./.

Bích Lan - Minh Thành

Các bài viết khác