Sửa đổi Luật Hóa chất: Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

08/11/2024

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) chiều 8/11, các đại biểu bày tỏ tán thành về sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời nhất trí với việc quản lý hệ thống hóa chất theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, thải bỏ hóa chất; quản lý chặt đối với hóa chất nguy hiểm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng hóa chất

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 13.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển ngành công nghiệp hóa chất cũng như quản lý hóa chất, khắc phục những bất cập, hạn chế sau 17 năm thực hiện luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự thảo trong mối liên hệ với các luật liên quan, kể cả các dự án luật đang trình Quốc hội thông qua như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng xác định ngành hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Đại biểu cũng nhất trí với việc quản lý hệ thống hóa chất theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, thải bỏ hóa chất; quản lý chặt đối với hóa chất nguy hiểm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6), đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết đối với chính sách quy định tại khoản 3 về bố trí ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển công nghiệp hóa chất.

Về các hành vi bị cấm (Điều 7), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần quy định cụ thể hơn các hành vi bị cấm, thay vì chung chung "thực hiện hoạt động hóa chất trái quy định". Đồng thời, về sử dụng hóa chất (Điều 21), đại biểu đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền ban hành danh mục hóa chất cấm sử dụng là của Bộ trưởng, thông qua thông tư chứ không phải văn bản hành chính.

Góp ý cụ thể về Điều 71 Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trong dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, khi triển khai luật mới, UBND cấp tỉnh sẽ phải ban hành một Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, đồng thời, trên cơ sở kế hoạch, phải tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý tại phiên thảo luận.

Đại biểu tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, đồng thời tán thành với việc phải tổ chức diễn tập, để địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động, kịp thời ứng phó sự cố hóa chất một cách an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để có thể tích hợp vào các kế hoạch ứng phó sự cố có liên quan của địa phương. Cụ thể, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22/1/2019 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019 - 2025 (gọi tắt là CBRN). Theo đó, ở cấp quốc gia, đã giao cho Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố CBRN cấp quốc gia. Ở địa phương cũng tương ứng có một kế hoạch chung cho ba lĩnh vực: hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân.

Do đó, để đảm bảo phù hợp, tránh trùng lắp, tránh lãng phí không cần thiết ở địa phương, đại biểu cho rằng, có thể cân nhắc tích hợp vào một kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cho các lĩnh vực có liên quan, có cùng lực lượng (các ban, sở, ngành) hoặc tách riêng hẳn ra thành các kế hoạch có lĩnh vực riêng biệt, không nên có sự trùng lắp cùng nội dung lĩnh vực, nhưng ở các kế hoạch khác nhau. Đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc về khoảng thời gian định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố, nên giao cho UBND cấp tỉnh, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương sẽ cụ thể hóa thời gian định kỳ hoặc đột xuất sẽ tổ chức diễn tập.

Quy định cụ thể hơn về vận chuyển hóa chất

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam kiến nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần gia cố các điều kiện về quy định của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất.

"Chúng ta không chỉ vận chuyển hóa chất đường bộ mà còn vận chuyển ở đường sắt, đường thủy. Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý liên quan đến việc vận chuyển, điều kiện cấp giấy phép, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vận chuyển", đại biểu Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần làm rõ tính đồng bộ, thống nhất của dự luật này với Luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Cũng liên quan đến Điều 19 về vận chuyển hóa chất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn về nội dung này.

Theo nữ đại biểu tỉnh Quảng Ninh, hiện nay công tác vận chuyển hóa chất được Chính phủ quy định là quản lý chung theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, Nghị định số 34 (Nghị định số 34/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa) quy định, khái niệm chất nguy hiểm, hàng nguy hiểm tương đồng với các khái niệm về hóa chất nguy hiểm, hỗn hợp chất trong Luật Hóa chất và danh mục hàng nguy hiểm hiện nay đang quy định ở Nghị định 34 có 9 loại và nhóm loại tại Điều 4 cũng chính là hóa chất nguy hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần quy định đồng bộ trong Luật Hóa chất để tránh tình trạng như hiện nay, một số bộ thì không quản lý hóa chất, hàng nguy hiểm xong lại được giao cấp giấy phép vận chuyển quản lý hóa chất, hàng nguy hiểm. “Tôi thấy rằng cần phải có quy định cụ thể hơn về vận chuyển hàng hóa chất trong dự thảo Luật”, đại biểu Thu Hà nhấn mạnh./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác