Phiên họp thứ 47 của UBTVQH

02/03/2007

* Dự án Luật Tương trợ tư pháp: Chưa trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11 * Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH: Tập trung vào việc chia tách UB Pháp luật, UB Kinh tế và Ngân sách

Sáng 1.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 47. 

Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh dự án Luật Tương trợ tư pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự án Luật Tương trợ tư pháp đã được chỉnh lý về những nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, cơ quan ở T.Ư tiếp nhận và chuyển giao hồ sơ về tương trợ tư pháp về dẫn độ; Quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại; Chi phí cho việc thực hiện ủy thác tư pháp và dẫn độ; Thẩm quyền ra quyết định dẫn độ... Cũng theo ý kiến của các ĐBQH, nội dung chuyển giao người thi hành án phạt tù sẽ không đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với sự tiếp thu, chỉnh lý này. Riêng về phạm vi điều chỉnh và cơ quan ở T.Ư tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ và thực hiện yêu cầu dẫn độ từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài- còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về phạm vi điều chỉnh, có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng dự án luật chỉ nên điều chỉnh vềì tương trợ tư pháp. Bởi, mặc dù tương trợ tư pháp, dẫn độ có nhiều điểm chung, nhưng vẫn có những đặc thù riêng. Trên thực tế, dẫn độ là vấn đề nhạy cảm, phức tạp không chỉ về mặt pháp lý mà còn về chính trị, ngoại giao. Do đó, cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định cho phù hợp, tốt nhất là được điều chỉnh bởi một văn bản luật khác. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH khác lại cho rằng, hiện nay dẫn độ là vấn đề đang nổi lên, cần có sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật, làm cơ sở cho việc đàm phán, ký kết và thực hiện dẫn độ đối với các hiệp định. Hơn nữa, theo Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan thì nếu chỉ quy định về tương trợ tư pháp thì dự án luật sẽ nhạt phèo. Vậy nên, dự án luật nên điều chỉnh cả tương trợ tư pháp và dẫn độ.

Một số Ủy viên UBTVQH lại băn khoăn về việc, đến nay, chưa có cơ quan nào tổng kết về hoạt động dẫn độ của nước ta trong thời gian vừa qua. Vả lại, đối với dự án luật này, bản thân một số thành viên của Chính phủ cũng còn ý kiến khác nhau về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ và thực hiện yêu cầu dẫn độ từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Bộ Công an- đơn vị từ trước đến nay được Chính phủ giao thực hiện công tác dẫn độ- thì cho rằng việc tiếp nhận, thực hiện yêu cầu dẫn độ từ cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài và thi hành quyết định dẫn độ nên tiếp tục giao cho Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp- cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật- lại cho rằng nên giao việc này cho Viện Kiểm sát chủ trì... Băn khoăn về chất lượng của dự án luật, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình... đề nghị dự án luật này chưa vội trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới. Đây cũng là ý kiến kết luận cuối cùng về dự án Luật Tương trợ tư pháp của UBTVQH.

Có thể nói, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH thu hút được sự quan tâm của tất cả các ĐBQH. Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, nhiều ĐBQH đề nghị, Luật Tổ chức QH cần được sửa đổi một cách toàn diện. Trong đó, bao gồm việc chia tách, thành lập mới một số cơ quan của QH; Bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; Vị trí, vai trò của Thường trực HĐDT và các UB; Tăng số lượng ĐBQH chuyên trách; Lập chức danh Tổng thư ký QH; Bộ máy giúp việc của QH... Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau về những nội dung kể trên, thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Vả lại đây lại là những vấn đề quan trọng và khó. Do đó, đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH là trước mắt sẽ chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH nhằm thành lập mới các UB Pháp Luật, UB Tư pháp, UB Tài chính, Ngân sách và UB Kinh tế (trên cơ sở chia tách 2 UB Pháp Luật và UB Kinh tế và Ngân sách).

 

T.Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)