Lựa chọn phương án phù hợp đối với quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
Theo đó, sáng ngày 15/11/2024, tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và kết luận như sau:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội; thực hiện phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, lược bỏ các quy định trùng lặp về nội dung quản lý nhà nước và về hồ sơ, trình tự, thủ tục trong hoạt động công chứng tại một số điều khoản cụ thể, bảo đảm kịp thời thực hiện chủ trương đổi mới tư duy lập pháp theo chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
2. Về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật
(1) Về quy định về các loại giao dịch phải công chứng (Điều 3)
Tán thành với việc cần quy định về tiêu chí xác định các loại giao dịch phải công chứng trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 3 theo hướng: “Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng.”, bảo đảm phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị, tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Giữ quy định chuyển tiếp tại Điều 75 về trách nhiệm rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp; bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy định về giao dịch phải công chứng tại các nghị định được ban hành trước ngày Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp
(2) Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 38)
Về vấn đề này, Chính phủ có ý kiến khác so với quy định tại dự thảo Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật chuẩn bị phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với nội dung này. Phiếu xin ý kiến cần thiết kế 02 phương án (Phương án 1 như thể hiện tại dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phương án 2 thể hiện theo ý kiến của Chính phủ, trong đó nêu cụ thể lập luận đối với từng phương án), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
(3) Về nội dung quản lý nhà nước về công chứng trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Tán thành thiết kế một điều tại Chương I quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công chứng, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ.
3. Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này và các ý kiến cụ thể của Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8.