TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI TỈNH BÌNH DƯƠNG VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

22/07/2022

Sáng 22/7, tại Bình Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Bình Dương.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc với tỉnh Bình Dương về " Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Cùng dự cuộc làm việc có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương  Võ Văn Minh cùng các thành viên Đoàn giám sát là các chuyên gia và thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Thường trực HĐND tỉnh.

Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, thu ngân sách nhà nước hàng năm (trừ năm 2018 hụt thu) đều vượt dự toán được giao. Chi NSNN theo báo cáo của địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tổng kế hoạch đầu tư vốn từ 2016-2020 là 45.913.088 triệu đồng, phân bổ cho 823 dự án. Về giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ quan, qua 6 năm triển khai đã tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường...

Tại buổi làm việc, báo cáo về kết quả làm việc bước đầu giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) giai đoạn 2016-2021", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, các yêu cầu của Đoàn giám sát đã được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ công tác cho rằng, việc ban hành các chương trình THTK, CLP giai đoạn 2016-2020, 2021- 2025 và các năm trong giai đoạn 2016-2021 của tỉnh đều chậm so với thời gian quy định, cần làm rõ trách nhiệm cơ quan tham mưu và ban hành các chương trình chưa đúng thời gian quy định.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo về kết quả làm việc bước đầu giám sát chuyên đề Việc thực hiện  chính sách pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021"

Theo báo cáo của địa phương, công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN cơ bản đúng quy định. Thu NSNN hằng năm (trừ năm 2018 hụt thu) đều vượt dự toán được giao. Để làm rõ kết quả thực hiện thu ngân sách này, địa phương cần làm rõ danh mục các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nợ thuế nhiều năm, nộp tiền thuê đất chưa đầy đủ theo quy định, tình trạng nợ đọng thuế kéo dài hoặc thất thu ngân sách được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn 2016-2021.

Chi ngân sách theo báo cáo của địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, báo cáo của kiểm toán còn nêu nhiều tồn tại, bất cập trong lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán, giải ngân kế hoạch đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra, số chuyển nguồn còn lớn, cho thấy chưa đạt hiệu quả đầu tư theo yêu cầu. Tổ công tác yêu cầu tỉnh bổ sung đánh giá đầy đủ các tồn tại, bất cập trong lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách giai đoạn 2016- 2021 và làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, tỉnh cần rà soát kỹ các thông tin, số liệu chi NSNN bảo đảm tính chính xác và theo số quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 của Bình Dương cũng chỉ ở mức trung bình so với cả nước và còn có xu hướng bị giảm trong những năm gần đây, do đó, tỉnh cần rà soát kỹ các dự án đã hoàn thành hoặc đang thực hiện phát sinh các vướng mắc, có những đánh giá chính xác, khách quan về hiệu quả đầu tư để có các giải pháp khắc phục, hoàn thiện.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu tại cuộc làm việc

Việc đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công - tư là một chủ trương lớn nhằm thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư các dự án công, giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế. Tại các báo cáo của tỉnh không có nội dung liên quan, không rõ về tình hình thu hút, thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức này tại địa phương cũng như các vấn đề phát sinh. Tổ công tác cũng đề nghị tỉnh bổ sung, làm rõ việc quản 9 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đang hoạt động, sử dụng các quỹ có hiệu quả, có thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng các quỹ này không?.

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn giám sát đã chỉ ra một số vấn đề hạn chế cần khắc phục như: còn một số nội dung, thông tin, số liệu báo cáo chưa bám sát và chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát, một số thông tin chưa bảo đảm tính chính xác, thống nhất. Một số nhận định, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong thực hiện THTK,CLP còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là đánh giá nguyên nhân chủ quan trong các tồn tại, hạn chế về ban hành văn bản theo thẩm quyền về THTK, CLP, về thực hiện quy định về lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…

Kết luận cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của Tổ giúp việc, Tổ công tác và UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ tài liệu. Đoàn cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả làm việc bước đầu về thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP tỉnh Bình Dương của Tổ công tác. Đề nghị căn cứ các ý kiến tại cuộc họp ngày hôm nay, Tổ công tác tiếp tục hoàn thiện báo cáo để báo cáo Đoàn giám sát. Đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm việc với các cơ quan và tổng hợp các nội dung báo cáo của địa phương, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư.

Về việc chậm xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tỉnh cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Việc tự kiểm tra, giám sát còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng thực hiện, do đó, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tỉnh rà soát, thực hiện đúng thời hạn, quy định hiện hành về việc lập, thẩm định, phê duyệt, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; rà soát kỹ các số liệu báo cáo về việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện kế hoạch đầu tư công để bảo đảm chính xác, hợp lý. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, nhất là xác định sự cần thiết, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư chính xác, phù hợp thực tế.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tỉnh rà soát để bảo đảm việc sử dụng các tài sản công, nhất là trụ sở của các cơ quan, đơn vị tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định. Cùng với đó, tỉnh cần rà soát, bổ sung đầy đủ danh mục các dự án treo, dự án chậm đưa diện tích Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các diện tích sử dụng không đúng mục đích. Đánh giá kỹ hiện trạng, các vướng mắc, trách nhiệm các bên (các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư), có các giải pháp xử lý, tháo gỡ triệt để không để hiện tượng đất không đưa vào sử dụng kéo dài, gây lãng phí tài nguyên. Rà soát, có giải pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các dự án trọng điểm có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị cần quyết liệt có các giải pháp và đề ra tiến độ xử lý, tháo gỡ. Trong từng lĩnh vực cụ thể, tỉnh có thể thành lập các ban chỉ đạo điều hành cụ thể, gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý sớm tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện một số nội dung kiến nghị và hoàn thiện báo cáo, trong đó có các nội dung: cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Tổ công tác, phản ánh những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong THTK, CLP. Trong báo cáo cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm, ai, cấp nào nhất là người đứng đầu, giải pháp khắc phục. Đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, ý kiến thành viên Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh đề nghị tập trung chỉ đạo khắc phục tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi có Báo cáo và Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát. Đối với những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền, Đoàn giám sát sẽ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật và bằng các biện pháp cụ thể.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: chuyên đề giám sát này là một chuyên đề khó, phạm vi rộng, đối tượng đa dạng, thời gian dài, đòi hỏi quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm và thống nhất nhận thức về nhiều vấn đề. Đây cũng là chuyên đề được Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Đối với các địa phương, cụ thể là tỉnh Bình Dương là nơi trực tiếp áp dụng, tổ chức thi hành pháp luật và cũng là nơi kiểm chứng độ phù hợp của chính sách, pháp luật. Vì vậy, kết quả giám sát tại các địa phương sẽ cung cấp thông tin xác thực nhất về kết quả THTK, CLP.

"Các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, các ý kiến tham gia tại buổi làm việc ngày hôm nay là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khách quan đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP trong thời gian tới" - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh. 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác