XÂY DỰNG QUAN HỆ NGHỊ VIỆN TƯƠNG XỨNG TẦM VÓC MỚI CỦA QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

07/04/2024

Trước thềm chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG nhấn mạnh, chuyến thăm có tầm quan trọng đặc biệt, nâng tầm quan hệ hai nghị viện và thiết lập cơ chế hợp tác cao hơn giữa hai cơ quan lập pháp, là dấu mốc mới xây dựng quan hệ nghị viện tương xứng với tầm vóc mới của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI LÊ THU HÀ: LÀM SÂU SẮC, THỰC CHẤT HƠN NỮA QUAN HỆ GIỮA HAI CƠ QUAN LẬP PHÁP VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Chuyến thăm có tầm quan trọng đặc biệt

- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

 - Kế thừa và phát huy truyền thống hữu nghị “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối và Nhân dân hai nước dày công vun đắp, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược trong đường lối đối ngoại của chúng ta.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt nước ta sau khi hai nước ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12.2023. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam và là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 5 năm. Do đó, chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì đà tiếp xúc cấp cao, triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước.

Với sự tương đồng về thể chế giữa ta và Trung Quốc, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội có tầm quan trọng đặc biệt, nâng tầm quan hệ hai nghị viện và thiết lập cơ chế hợp tác cao hơn giữa hai cơ quan lập pháp. Chuyến thăm không chỉ là giao lưu, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp mà còn là trao đổi chiến lược cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.

Trong chuyến thăm sẽ diễn ra các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc giữa Chủ tịch Quốc hội ta với Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và địa phương Trung Quốc ngay sau Kỳ họp Lưỡng hội thứ hai năm 2024. Đây sẽ là dịp quan trọng để hai bên đi sâu trao đổi ở tầm chiến lược về các vấn đề lớn trong quan hệ song phương cũng như tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Qua đó, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, hiện thực hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác địa phương trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng của ta còn gặp không ít khó khăn.

Củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ song phương

- Trong bối cảnh hai bên đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại, theo ông, quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước đặt ra những yêu cầu mới nào?

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12.2023 đã đánh giá, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp của hai cơ quan lập pháp luôn được duy trì, sự phối hợp tại các cơ chế đa phương diễn ra thường xuyên, đưa quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp trở thành một bộ phận quan trọng của quan hệ tổng thể giữa hai Đảng, hai nước. Đây là sự ghi nhận của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đối với quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Về phía Việt Nam, Quốc hội rất coi trọng và xác định việc triển khai công tác đối ngoại nghị viện tương xứng với việc thực hiện 3 chức năng, nhiệm vụ quan trọng về lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành quả đối ngoại chung của Nhà nước, nhất là công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước với các Đảng cộng sản cầm quyền của các quốc gia là bạn bè truyền thống, láng giềng quan trọng như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng được củng cố, làm sâu sắc hơn, ngày càng đi vào chiều sâu.

Với đặc thù “vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân”, hợp tác nghị viện giữa các nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ, thúc đẩy hợp tác và cùng nhau hướng về tương lai trên nền tảng vững chắc là lợi ích của người dân, sự phát triển ổn định, bền vững của mỗi nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của cộng đồng quốc tế.

Chính vì vậy, khi hai bên đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại, thì Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc càng phải tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa, phát huy vai trò, tiếng nói của cơ quan lập pháp, cơ quan đại diện cho Nhân dân, cơ quan giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia để thúc đẩy việc hiện thực hóa nhận thức chung và định hướng, chỉ đạo chiến lược của hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực trụ cột đã xác định tại Tuyên bố chung.

Với nhận thức sâu sắc về vai trò của hợp tác nghị viện, ngay tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13.12.2023, sau khi Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị hai bên nghiên cứu thành lập cơ chế hợp tác nghị viện song phương hai nước để trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, xây dựng quan hệ hình mẫu cho hợp tác nghị viện, tương xứng với tầm vóc mới của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn mới. Đề xuất này của Chủ tịch Quốc hội đã cho thấy sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của Quốc hội trong việc thúc đẩy hiện thực hóa nhận thức chung của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước.

Với tinh thần đó, trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc sẽ ký mới Thỏa thuận hợp tác thay thế cho Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2015 với những nội hàm mới. Đặc biệt, theo Thỏa thuận hợp tác mới, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc với nhiệm vụ làm sâu sắc và tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, góp phần nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược; đóng góp ý kiến và kiến nghị trong việc triển khai hợp tác trên các lĩnh vực công tác của cơ quan lập pháp hai nước. Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác thông qua các hình thức như trao đổi đoàn, tổ chức khóa bồi dưỡng - nghiên cứu, hội thảo chuyên đề, hội nghị trực tuyến, tăng cường giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu, bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và cán bộ cơ quan tham mưu, giúp việc; thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Nhân đại/Hội đồng Nhân dân địa phương, đặc biệt là Nhân đại/Hội đồng Nhân dân các tỉnh biên giới hai nước.

Cùng với Thỏa thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc cũng sẽ lần đầu tiên ký Thỏa thuận hợp tác nhằm triển khai thực hiện các nội dung hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.

- Với chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, đều nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, nỗ lực vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại, có thể thấy, quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước còn rất nhiều dư địa phát triển, thưa ông?

- Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa, quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước không chỉ có nhiều dư địa mà chắc chắn sẽ ngày càng sâu sắc hơn, thiết thực hơn, nâng lên tầm cao mới. Đặc biệt, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh trong cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình: “Chữ “Dân”, “vì Dân” là điểm tương đồng về tư tưởng, đường lối của hai Đảng, hai Nhà nước. Đó sẽ là tiền đề để hai bên tăng cường hợp tác toàn diện, giao lưu hữu nghị, trao đổi, chia sẻ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Đó cũng là nền tảng cho hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”.

Trong quá trình hoạt động vừa qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam rất coi trọng và tham khảo nhiều lý luận và thực tiễn của Trung Quốc về xây dựng Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa. Với Thỏa thuận hợp tác mới sẽ được ký trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cơ quan lập pháp hai nước sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về: hoạt động của Quốc hội/Nhân đại toàn quốc và các cơ quan của Quốc hội/Nhân đại toàn quốc; về hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ môi trường, đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại... Cùng với đó là tăng cường vai trò giám sát của hai cơ quan lập pháp đối với việc triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai nước; phát huy vai trò của các đại biểu Quốc hội/Nhân đại, nhất là Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt - Trung trong tuyên truyền hữu nghị, củng cố đồng thuận và xây dựng nền tảng xã hội tốt đẹp của quan hệ hai nước.

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác