QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐI ĐẦU TRONG TRIỂN KHAI HỌP TRỰC TUYẾN

18/05/2020

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn và khống chế thành công đại dịch COVID-19 với sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị. Thành tựu này, được dư luận thế giới ghi nhận và đánh giá cao, nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, với tinh thần không lơ là, chủ quan, “chống dịch như chống giặc” thì phương thức làm việc trực tuyến vẫn được ưu tiên hàng đầu. Để phù hợp với bối cảnh hiện nay, đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra với hình thức họp trực tuyến.

 

Họp trực tuyến: Phù hợp với bối cảnh thực tiễn

Tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội bảo đảm khoa học, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước; thống nhất khai mạc kỳ họp ngày 20/5/2020 theo đúng quy định và tổ chức kỳ họp thành 02 đợt: đợt 1 họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Để có thêm thời gian xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, tìm giải pháp khôi phục kinh tế sau dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thảo luận tại đợt 1 các nội dung về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 (trong đó có nội dung phòng, chống dịch Covid-19) và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, nếu kịp tiếp thu, hoàn chỉnh có thể trình Quốc hội thông qua tại đợt 1.

Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trước đó, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các cơ quan của Quốc hội đã nhanh chóng chuyển sang hình thức họp, làm việc trực tuyến để đảm bảo an toàn, đồng thời không để công việc không bị gián đoạn. Các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, của các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Thường vụ Quốc hội vẫn diễn ra kịp thời, đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng việc kịp thời chuyển sang phương thức họp trực tuyến là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Ngay từ thời điểm dịch bùng phát, để kịp thời triển khai công việc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như các cơ quan khác của Quốc hội đã tiến hành họp, làm việc trực tuyến. Vì vậy, tiến độ công việc không hề bị gián đoạn, hiệu quả vẫn được đảm bảo.

Phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật theo hình thức trực tuyến

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động của ĐBQH

Để chuẩn bị cho kỳ họp được hiệu quả, Tổng Thư ký Quốc hội đã có công văn gửi các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm một số vấn đề về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9. Theo đó, trong thời gian Quốc hội họp trực tuyến, đề nghị các vị Trưởng Đoàn tổ chức, điều hành, bảo đảm thực hiện đúng quy định các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Các Đoàn chủ động lựa chọn phòng họp trực tuyến cho phù hợp (tại trụ sở công của địa phương), bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, thuận tiện cho đại biểu thực hiện nhiệm vụ cũng như công tác phục vụ Đoàn.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, tính đến thời điểm này công tác chuẩn bị tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản đã hoàn tất, việc trang trí khánh tiết, kiểm tra hệ thống đường truyền đã được tiến hành kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội đã tích cực phối hợp với: Bộ Công thương để chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bảo đảm nguồn điện; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bảo đảm hệ thống hội nghị cầu truyền hình; Bộ Y tế để hướng dẫn công tác vệ sinh dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo đảm an ninh, an toàn, trong đó có an toàn thông tin mạng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan trên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở địa phương phối với các Văn phòng Đoàn trong việc bảo đảm các điều kiện tại địa điểm họp của Đoàn.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trực tiếp kiểm tra hệ thống kỹ thuật trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Ngoài ra, để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn trước ngày khai mạc, chiều ngày 17/05 Trung tâm Tin học, Cục Quản trị thuộc Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, các đơn vị của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kiểm tra hệ thống kỹ thuật bao gồm âm thanh, ánh sáng, hình ảnh,... và tiếp tục thử nghiệm ứng dụng đăng ký phát biểu được cài đặt trên thiết bị iPad.

Mặc dù, các đại biểu không họp tập trung nhưng việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Theo đó đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Quốc hội có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

Trước đó, ngay tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Văn phòng Quốc hội đã có những đổi mới, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội. Các đại biểu được tra cứu hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến một dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quá trình xây dựng theo quy định về lĩnh vực đó. Việc thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng được thực hiện qua hệ thống thông tin điện tử. Với hoạt động triển khai phần mềm mới hỗ trợ, các đại biểu Quốc hội không cần phải mang theo tài liệu bản giấy, mọi tài liệu cần thiết đều có thể tra cứu trên smartphone hoặc thiết bị di động khác, qua đó góp phần thành công của kỳ họp.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc cung cấp tài liệu thông qua hình thức trực tuyến rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu. Cải tiến này đã được ứng dụng từ kỳ 7 và được đại biểu đón nhận, đánh giá cao.

Kiểm tra Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử tại Nhà Quốc hội trước kỳ họp

Hiện nay, Văn phòng Quốc hội đã và đang triển khai các phần mềm ứng dụng cài đặt trên thiết bị iPad để phục vụ đại biểu Quốc hội như App Quốc hội phục vụ cung cấp tài liệu Kỳ họp Quốc hội; App Netview phục vụ tổng hợp phân tích thông tin báo chí và mạng xã hội về hoạt động của đại biểu Quốc hội;  App Đại biểu: phục vụ trao đổi tài liệu, báo cáo giữa ĐBQH với trợ lý, thư ký (nếu có). Đồng thời, Văn phòng Quốc hội sẽ bảo đảm hỗ trợ từ xa đối với các đại biểu Quốc hội tại địa phương, tài liệu hướng dẫn chi tiết sử dụng các phần mềm.

Mới đây, phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 45 (đợt 1) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp này sẽ được tổ chức theo hình thức đặc biệt hơn so với thông lệ (họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung). Vì vậy, để kỳ họp tới diễn ra thông suốt, đạt hiệu quả cao, đề nghị các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội theo dõi chương trình, nắm rõ các hướng dẫn và chủ động triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ; Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị về mọi mặt điều kiện cơ sở kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,… bảo đảm sẵn sàng phục vụ kỳ họp an toàn, hiệu quả.

Họp trực tuyến: Nền tảng đổi mới phương thức họp của Quốc hội

Việc lựa chọn phương án họp trực tiếp đối với đợt 1 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay.  Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này. Vậy công tác chuẩn bị cần chú trọng những vấn đề gì? Và đâu là những thuận lợi cũng như thách thức cần nhận diện khi tiến hành họp trực tuyến? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi đối với Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về nội dung này.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký Quốc hội, theo dự kiến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sẽ tiến hành họp trực tuyến đợt 1. Vậy trên thực tế, để tiến hành phương thức họp mới này, Văn phòng Quốc hội đã có sự chuẩn bị cụ thể như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua. Thực tế thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 đã làm cho thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có liên quan đến việc họp của các nghị viện. Hiện nay, đã có khoảng 21 nghị viện đã có chuẩn bị cho việc họp trực tuyến mà trong đó có Việt Nam. Họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Bởi vì, thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt dộng của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường. Vì vậy, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp hơn. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của cuộc họp trực tuyến đợt 1 của Quốc hội thì đòi hỏi công tác chuẩn bị của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phải rất kỹ lưỡng và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đơn vị phát triển công nghệ thông tin.  

Có thể nói, đến giờ phút này công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành tốt. Trong đó, Văn phòng Quốc hội đã đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo đường truyền thông suốt và đảm bảo hệ thống dự phòng. Về cách thức tổ chức, đại biểu Quốc hội của Đoàn nào sẽ tham dự kỳ họp ở điểm cầu ở ngay tại Đoàn đó. Trường hợp đang công tác tại tỉnh, thành phố khác sẽ lựa chọn tham dự tại điểm cầu ở nơi công tác hoặc nơi mình tham gia Đoàn và đăng ký với Trưởng Đoàn nơi sẽ tham dự họp. Đại biểu công tác tại Hà Nội (trừ đại biểu thuộc Đoàn thành phố Hà Nội) sẽ tham dự kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng.

Tại các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.

Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiểm tra tín hiệu từ Hội trường Diên Hồng đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Theo đó, đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Quốc hội có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

Phóng viên: Được biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam và cũng là Quốc hội đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến. Vậy, đâu là thuận lợi cũng như khó khăn thách thức cần nhận diện khi tiến hành phương thức này, thưa Tổng Thư ký Quốc hội?

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải giữ đường truyền liên tục trong10 ngày. Từ trước đến nay chưa từng có họp trực tuyến dài ngày như vậy, thông thường chỉ họp trực tuyến từ 1 đến 2 ngày. Đây là lần đầu tiên họp đến 10 ngày, vì vậy phải đảm bảo an toàn trực tuyến.

Thứ hai, phải đảm bảo an toàn an ninh mạng trong suốt thời gian Quốc hội họp trực tuyến.

Thứ ba, là các phần mềm về đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết,.. làm sao cho ổn định, đảm bảo an toàn và không bị gián đoạn để khi tất cả đại biểu Quốc hội biểu quyết thì có kết quả hiện về hệ thống trên phòng Diên Hồng trong vòng 1 phút. Đây là phần mềm mới, viết riêng cho họp trực tuyến của Quốc hội. Và vì là lần đầu nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Vừa qua, Văn phòng Quốc hội cũng đã chạy thử nghiệm hệ thống, tuy nhiên chúng tôi cũng vẫn lo lắng làm sao để tuyệt đối an toàn, không chủ quan để kỳ họp diễn ra hiệu quả, thông suốt. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Văn phòng Quốc hội vẫn luôn chú trọng các biện pháp để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch như: Hạn chế tối đa số lượng người ra vào Nhà Quốc hội; tại đợt 1, việc bố trí chỗ ngồi của đại biểu ở phòng Diên Hồng đảm bảo giãn cách và so le; phối hợp với các cơ quan y tế xây dựng phương án cụ thể về phòng, chống dịch trong thời gian họp Quốc hội… Cùng với đó, Văn phòng Quốc hội cũng bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan thông tấn, báo chí thuận tiện trong tác nghiệp, chuyển tải kịp thời, đầy đủ diễn biến kỳ họp đến cử tri và Nhân dân. Nhìn chung, để kỳ họp diễn ra thành công rất cần sự phối hợp với chặt chẽ, hiệu quả của các ngành, đơn vị có liên quan.

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký Quốc hội, đối với phương thức họp trực tuyến, Tổng Thư ký có kỳ vọng gì khi Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến đợt 1 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV?

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Trong giai đoạn chúng ta đang tiến tới công nghệ 4.0 thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong 1 kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Đây sẽ là lần thử nghiệm cho 1 hình thức họp mới và nếu phương thức họp này thực sự vận hành tốt thì tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Việc họp trực tuyến sẽ giúp rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội phải họp tập trung. Nếu phương án này tiến hành tốt thì các kỳ họp Quốc hội chỉ cần họp tập trung 10 ngày trở lại. Bằng cách họp trực tuyến, các đồng chí đại biểu tại địa phương bên cạnh việc tham gia họp Quốc hội, ngoài giờ có thể xử lý công việc hành chính tại địa phương. Ngoài ra, việc họp trực tuyến cũng giúp tiết kiệm chi phí đi lại,…. Do họp tực tuyến nên các cơ quan cần chuẩn bị văn bản tóm tắt cô đọng, súc tích, chỉ sử dụng đúng thời gian được ghi trong chương trình.

Vì vậy, nếu dợt 1 Quốc hội tiến hành họp trực tuyến thành công thì tôi kỳ vọng đây chính là điểm đổi mới, có thể áp dụng trong các nhiệm kỳ sau. Với ý nghĩa như vậy, tôi rất muốn kỳ họp này được chuẩn bị thật kỹ, thấu đáo đảm bảo thành công để làm cơ sở, tiền đề cho  chúng ta nghiên cứu, phát triển phương thức họp mới này.

Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho đợt 1 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV với hình thức họp trực tuyến đã được Văn phòng Quốc hội chuẩn bị chu đáo đảm bảo đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện. Đồng thời, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được Văn phòng cài đặt, cải tiến nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu Quốc hội cũng như cung cấp chân thực nhất thông tin kỳ họp tới cử tri và nhân dân cả nước. Với sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo như vậy, cử tri có thể kỳ vọng và tin tưởng vào một kỳ họp an toàn, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam, trong bối cảnh dịch covid-19 trên thế giới vẫn đang còn diễn biến hết sức phức tạp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội!

Lê Anh