NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

27/11/2018

Chiều ngày 27/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Quốc hội giải pháp và tầm nhìn cho tương lai. PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước; đại diện một số vụ, đơn vị chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Toàn cảnh Hội thảo Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Quốc hội giải pháp và tầm nhìn cho tương lai

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú cho biết, bồi dưỡng đại biểu Quốc hội thời gian qua được coi là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung. Về phương diện tổ chức và hoạt động, Quốc hội nước ta có những đặc thù riêng biệt: hoạt động không thường xuyên; có đại biểu chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cơ cấu đại biểu đa dạng theo vùng miền, thành phần, trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi... Chính vì vậy, trong cơ cấu đại biểu Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu chưa có hiểu biết sâu cũng như chưa có kinh nghiệm, thực tiễn và kỹ năng đối với hoạt động Quốc hội. Bên cạnh đó, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội luôn có một số lượng lớn đại biểu mới được bầu lần đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghị trường, cũng như chưa hiểu biết sâu sắc về các quy định, các quy trình, thủ tục trong hoạt động Quố hội. Do vậy, nhu cầu tiếp cận các kỹ năng hoạt động nghị trường cũng như nhu cầu cập nhật kiến thức để đảm đương trọng trách người đại biểu nhân dân là vấn đề luôn được đặt ra.  

 PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu khai mạc Hội thảo  

Tại hội thảo, các báo cáo tham luận đã làm rõ quan điểm, dịnh hướng xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội; thực trạng công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội thời gian qua; quy định của pháp luật về công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội;...

Về định hướng xây dựng các giải pháp trong thời gian tới, Ông Trần Văn Tám - nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác Đại biểu, Văn phòng Quốc hội, đề xuất 06 định hướng cơ bản nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả triển khai công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội. Thứ nhất, cần xây dựng cơ sở pháp lý chặt chẽ và khả thi, bền vững về chế độ, trách nhiệm, tiêu chuẩn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thiết thực về đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đại biểu Quốc hội. Thứ ba, cần có các giải pháp thúc đẩy trách nhiệm tham gia bồi dưỡng của đại biểu. Thứ tư, chú trọng xây dựng các giải pháp về củng cố chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu để giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, quản lý thực hiện quy định, điều phối, chỉ đạo tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng; tăng cường năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn về bồi dưỡng đại biểu Quốc hội. Thứ năm, nghiên cứu phương hướng quy định trách nhiệm bảo đảm hiệu quả, chất lượng của hoạt động bồi dưỡng. Thứ sáu, phân định rõ trách nhiệm giữa Đảng đoàn Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn và đảm bảo điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội mà Hiến pháp đã quy định.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Đánh giá về thực trạng công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, Ths.Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, trong những năm qua thực hiện các quy định của pháp luật, công tác tập huấn, bồi dưỡng các đại biểu Quốc hội nói riêng và đại biểu dân cử nói chung ngày càng được tăng cường và đi vào nề nếp, chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cho các đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng thì trình độ, năng lực và kỹ năng hoạt động của nhiều đại biểu Quốc hội đã được nâng lên và đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thì còn có những hạn chế nhất định. Từ việc phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, Ths. Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về bồi dưỡng đại biểu Quốc hội trong điều kiện hiện nay.

Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: hiệu quả hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội trong thời gian qua; những vấn đề mấu chốt làm hạn chế hiệu quả hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội; quan điểm cơ bản định hướng cho hoạt động bồi dưỡng đại biểu thời gian tới; các giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Quốc hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Hội thảo là diễn đàn khoa học mở. Các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ được nghiêm túc tiếp thu, bổ sung cho báo cáo khoa học và kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ được chuyển cho các cơ quan có liên quan để tham khảo, tiếp thu ứng dụng trong hoạt động thực tiễn.

Lê Anh