HỘI THẢO NGHỊ QUYẾT 48-NQ/TW VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

15/10/2019

Sáng 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Nghị quyết 48-NQ/TW và một số vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các nhà khoa học…

TS. Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được thông qua ngày 24/5/2005. Đồng thời khẳng định Nghị Quyết 48 NQ/TW cũng đã phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật, góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Các ý kiến tại hội thảo cũng đã làm rõ thêm một số nội dung như sự đồng bộ trong việc thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam với Chiến lược cải cách tư pháp và cải cách hành chính; Làm rõ vấn đề từ nguyên tắc Hiến định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền con người ở Việt nam sau năm 2020; Cho ý kiến trong việc hoàn thiện pháp luật về quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Những ý kiến đóng góp xung quanh việc xây dựng hoàn thiện pháp luật trong hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật về dân tộc.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết: Nghị quyết 48 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/5/2005, sau gần 15 năm, Nghị quyết đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, góp phần vào kết quả thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế nhất định....

Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, ý kiến của các đại biểu cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW và Viện Nghiên cứu Lập pháp tiếp thu, tổng hợp và báo cáo Bộ Chính trị. Qua đó sẽ sẽ góp phần sửa đổi, bổ sung một số nội dung, giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật cho giai đoạn tiếp theo./.

Lê Phương