Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp việt Nam, cùng các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực điện ảnh; đại diện một số cục, vụ thuộc Văn phòng Quốc hội;…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động điện ảnh phát triển, thu được những thành tựu nhất định, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Trong những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa nhằm đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tác động làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của người dân. Thực tế đó, đòi hỏi sửa đổi Luật Điện ảnh một cách toàn diện nhằm Luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.
TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo
TS.Lê Hải Đường nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Do đó, hội thảo khoa học “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh” có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn.
Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; Đổi mới trong quản lý điện ảnh của Việt Nam; Cơ chế xã hội hoá, huy động sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động điện ảnh; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh; Hoạt động phát hành phim, phổ biến phim, lưu trữ phim; Quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; Kinh nghiệm xây dựng pháp luật về điện ảnh ở các nước trong khu vực và trên thế giới;...
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về điện ảnh
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động điện ảnh và phát triển điện ảnh, trên cơ sở việc đánh giá các chính sách, pháp luật về điện ảnh hiện hành, các tồn tại, hạn chế và điểm nghẽn trong chính sách cho thấy nhu cầu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển điện ảnh trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết, đặc biệt là xây dựng và sớm thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) bảo đảm thực sự phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao trên tinh thần vừa công cụ quản lý nhà nước vừa là cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển.
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo ông Lê Thanh Liêm, các chính sách cơ bản làm cơ sở xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Tạo bình đẳng, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động phát hành và phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật;…
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện Phim Việt Nam, cho rằng, sau 12 năm triển khai và thi hành, Luật Điện ảnh bên cạnh những kết quả đạt được đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, việc sửa đổi Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động điện ảnh là cần thiết.
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Huy Hoàng kiến nghị, ban soạn thảo cần rà soát nhằm quy định rõ nét hơn nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, đây là nội dung được kỳ vọng, chờ đợi do đó, tại khoản 3 Điều 5 cần quy định cụ thể về chính sách ưu đãi của Nhà nước; chính sách khuyến khích của Nhà nước; …
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện Phim Việt Nam
Nhấn mạnh, mấu chốt để phát triển điện ảnh phụ thuộc nhiều vào nguồn lực từ con người và tài chính, ông Nguyễn Huy Hoàng cũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội trong phát triển điện ảnh Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia cho rằng, điện ảnh vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Do đó, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải có những chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho nền điện ảnh Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này phải hướng tới bảo vệ được sự sáng tạo; tạo thuận lợi cho công nghiệp điện ảnh phát triển; thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ các thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; khuyến khích, hỗ trợ hoạt động phát hành và phổ biến phim Việt Nam,…
Thống nhất quản lý theo 1 tiêu chí chung
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Huy Cường, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT) cho biết, dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet – OTT TV do Bộ TTTT quản lý chỉ là một trong rất nhiều loại dịch vụ sử dụng mạng internet để cung cấp nội dung đến cho người dùng. Hiện trên mạng internet vẫn đang tồn tại các trang web, các app cung cấp phim nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim, nên có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật; cung cấp phim không có bản quyền….
Ông Bùi Huy Cường, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Để quản lý được các loại hình này, ông Bùi Huy Cường kiến nghị sửa đổi Luật Điện ảnh về phổ biến phim trên internet, trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet theo hướng: Thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng internet, theo đó cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế,… Về đầu mối quản lý nội dung phim theo pháp luật về điện ảnh nên tập trung vào Bộ Văn hóa thể thao và du lịch. Ngoài ra, đối với phim phổ biến trên mạng internet, trên dịch vụ OTT TV cần thiết phải phân loại phim theo từng cấp độ để có quy định quản lý phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với những phim có nội dung ảnh hưởng đến nhận thức xã hội, phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấp phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biết; Đối với những phim có nội dung giải trí thông thường, cho phép doanh nghiệp căn cứ quy định pháp luật để thực hiện biên tập, cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm; Có giải pháp sử dụng công nghệ để kiểm soát nội dung phim phổ biến trên mạng internet, trên dịch vụ OTT TV;…
Ông Bùi Huy Cường cũng đề nghị, cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm,… và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đạo diễn Trần Hoài Sơn phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại hội thảo, bên cạnh các kiến nghị chính sách chung, các chuyên gia đã góp ý vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đạo diễn Trần Hoài Sơn, Điều 14 về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần hướng tới các mục tiêu: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển khả năng hợp tác quốc tế của điện ảnh Việt Nam; Tạo hành lang pháp lý tập trung nguồn lực cho cơ sở điện ảnh cung cấp dịch vụ nền tảng đủ mạnh phục vụ nhu cầu sản xuất phim trong nước và hợp tác quốc tế; Giảm tải trách nhiệm phê duyệt các dự án cung cấp dịch vụ hợp tác quốc tế cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL, trao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở đủ điều kiện hợp tác sản xuất phim với nước ngoài nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp phép, chuyên nghiệp hóa trong việc đánh gái tiềm năng, rủi ro của một dự án hợp tác tuốc tế thông qua hệ thống chuyên viên có trình độ cao và hiểu biết luật pháp quốc tế.
Đối với quy định về lưu chiểu phim tại điều 34 dự thảo Luật, ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện Phim Việt Nam đề nghị điểm b, khoản 3 đối với phim Việt Nam không sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước, cần bổ sung quy định chuyển bản phim lưu chiểu không khóa mã cho cơ sở lưu trữ phim.
Chuyên gia góp ý tại Hội thảo
Một số ý kiến khác đề nghị: bổ sugn nội dung “Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả” vào Điều 12 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); Điều 15 dự thảo Luật cần quy định rõ về việc sử dụng ngân sách chính phủ nhằm tạo nguồn lực cho Điện ảnh Việt Nam; Khoản 1, Điều 13 dự thảo Luật, chỉ các trường quay được Nhà nước đầu tư thì phải nằm trong quy hoạch mạng lưới, còn các trường quay tư nhân, cơ sở phục vụ quay phim nhỏ do tư nhân đầu tư kinh doanh sẽ được phép hoạt động như một cơ sở kinh doanh bình thường, không cần “quy hoạch”;…
Kết luận Hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu thảo luận, tham luận của các chuyên gia, đại biểu tham dự. Cho rằng đây là nội dung thiết thực phục vụ cung cấp thông tin tham khảo cho các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Viện trưởng đề nghị, Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu và tham vấn, hoàn thiện Đề tài nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất./.