HÌNH ẢNH HỘI THẢO THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ ĐIỆN ẢNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG SỬA ĐỔI LUẬT ĐIỆN ẢNH

30/11/2021

Sáng 30/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; TS.Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đồng chủ trì hội thảo.


Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực điện ảnh; đại diện một số cục, vụ thuộc Văn phòng Quốc hội;…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Do đó, hội thảo khoa học “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh” có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; Đổi mới trong quản lý điện ảnh của Việt Nam; Cơ chế xã hội hoá, huy động sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động điện ảnh; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh; Hoạt động phát hành phim, phổ biến phim, lưu trữ phim; Quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; Kinh nghiệm xây dựng pháp luật về điện ảnh ở các nước trong khu vực và trên thế giới;...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại hội thảo:

Sáng 30/11, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh”. 

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; TS.Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đồng chủ trì hội thảo.

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động điện ảnh và phát triển điện ảnh, trên cơ sở việc đánh giá các chính sách, pháp luật về điện ảnh hiện hành, các tồn tại, hạn chế và điểm nghẽn trong chính sách cho thấy nhu cầu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển điện ảnh trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện Phim Việt Nam, kiến nghị, ban soạn thảo cần rà soát nhằm quy định rõ nét hơn nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh. Theo ông, đây là nội dung được kỳ vọng, do đó, tại khoản 3 Điều 5 cần quy định cụ thể về chính sách ưu đãi của Nhà nước; chính sách khuyến khích của Nhà nước; … 

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Huy Cường, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT) cho biết, hiện trên mạng internet vẫn đang tồn tại các trang web, các app cung cấp phim nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim, nên có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật; cung cấp phim không có bản quyền…

Để quản lý được các loại hình này, ông Bùi Huy Cường kiến nghị sửa đổi Luật Điện ảnh về phổ biến phim trên internet, trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet theo hướng: Thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng internet, theo đó cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế,… 

TS.Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy banVăn hóa, Giáo dục phát biểu tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, bên cạnh các kiến nghị chính sách chung, các chuyên gia đã góp ý vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). 

Theo đạo diễn Trần Hoài Sơn, Điều 14 về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần hướng tới các mục tiêu: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển khả năng hợp tác quốc tế của điện ảnh Việt Nam; Tạo hành lang pháp lý tập trung nguồn lực cho cơ sở điện ảnh cung cấp dịch vụ nền tảng đủ mạnh phục vụ nhu cầu sản xuất phim trong nước và hợp tác quốc tế...

Một số ý kiến khác đề nghị: bổ sung nội dung “Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả” vào Điều 12 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); Điều 15 dự thảo Luật cần quy định rõ về việc sử dụng ngân sách chính phủ nhằm tạo nguồn lực cho Điện ảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị, Khoản 1, Điều 13 dự thảo Luật, chỉ các trường quay được Nhà nước đầu tư thì phải nằm trong quy hoạch mạng lưới, còn các trường quay tư nhân, cơ sở phục vụ quay phim nhỏ do tư nhân đầu tư kinh doanh sẽ được phép hoạt động như một cơ sở kinh doanh bình thường, không cần “quy hoạch”;…

Kết luận Hội  thảo, TS.Lê Hải Đường ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tham dự. Cho rằng đây là nội dung thiết thực phục vụ cung cấp thông tin tham khảo cho các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Viện trưởng đề nghị, Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu và tham vấn, hoàn thiện Đề tài nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất.

Nghĩa Đức