TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

05/03/2022

Chiều 05/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông,… cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện, đánh dấu một mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thông tin vô tuyến điện của đất nước. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi.

Nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, TS.Nguyễn Văn Hiển cũng nêu rõ, dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV. Tới đây, tại Phiên phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện trước khi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bổ sung 2 điều, sửa đổi 14 điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật và phù hợp với các Luật có liên quan. Dự thảo luật quy định những nội dung chủ yếu như: Nhóm các vấn đề về giới hạn tổng độ rộng băng tần tối đa, cấp giấy phép sửa dụng tần số vô tuyến điện và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về các khoản thu từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện và thu hồi giấy phép; Nhóm vấn đề về cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan;…

Tại hội thảo, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, sau khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời đến nay, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới có liên quan đến nội dung của Luật Tần số vô tuyến điện đã được ban hành,... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện nay.

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến: Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng triển khai mạng thông tin di dộng mặt đất (Điều 11); Vấn đề đấu giá băng tần; Về cấp phép sử dụng băng tần cho mạng viễn thông mặt đất; Về vấn đề đào tạo cấp chứng chỉ vô tuyến điện; …. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý cụ thể vào từng điều, khoản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung.

Liên quan đến quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng triển khai mạng thông tin di động mặt đất, có ý kiến cho rằng, để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên tần số việc quy định này trong quy hoạch băng tần là cần thiết. Tuy nhiên, cân nhắc nên chăng tìm một khái niệm khác thay vì sử dụng khải niệm “quy hoạch” thì hợp lý hơn, bởi bản chất của quy hoạch tần số, băng tần chỉ là sự phân chia phổ tần số vô tuyến điện để cung ứng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng phù hợp tương thích với trang thiết bị của hạ tầng dùng vào các mục đích cụ thể khác nhau. Đồng thời, trong quy hoạch có đề cập tới quy định việc phân bổ các khối băng tần nhưng chưa thấy nội dung này trong Dự thảo Luật. Quy định phân bổ các khối băng tần phải theo các nguyên tắc nào và ai có quyền thực hiện phân bổ cũng cần được thể hiện trong Dự thảo.

Về cấp phép sử dụng băng tần cho mạng viễn thông mặt đất, có ý kiến chuyên gia đề nghị nên có quy định về thời hạn triển khai trong cam kết cũng như thu hồi giấy phép trong xử lý vi phạm cam kết để tránh tình trạng tích tụ băng tần, vừa lãng phí tài nguyên vừa dễ gây ra sự độc quyền của những nhà  mạng lớn.

Đối với vấn đề đào tạo cấp chứng chỉ vô tuyến điện, một số chuyên gia cho rằng, trong luật hiện hành chưa thể hiện được chủ trương xã hội hóa đối với lĩnh vực đào tạo cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, do đó, cần có sự bổ sung nội dung xã hội hóa trong đào tạo, cấp chứng chỉ lĩnh vực này. Trong Dự thảo Luật, vấn đề này được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 32 là giao cho Chính phủ quy định để thực hiện xã hội hóa trong đào tạo, cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì việc đào tạo, cấp chứng chỉ cần giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm, vì việc đào tạo phải gắn liền với những trang thiết bị đặc thù. Trong dự thảo Luật cần có quy định riêng về vấn đề này để đảm bảo tính hợp lý, khả thi.

Kết luận tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu, tham luận. Khẳng định đây là dự án Luật khó, mang tính chất chuyên ngành, liên quan đến nhiều chính sách lớn, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra,… phục vụ trực tiếp cho việc xem xét, cho ý kiến về dự án luật.

***Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước phát biểu giới thiệu Tọa đàm 

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn tham dự Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Ông Nghiêm Xuân Bạch, Nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, nên có quy định về thời hạn triển khai trong cam kết cũng như thu hồi giấy phép trong xử lý vi phạm cam kết để tránh tình trạng tích tụ băng tần, vừa lãng phí tài nguyên vừa dễ gây ra sự độc quyền của những nhà  mạng lớn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Vũ Huy Khánh kiến nghị quy định liên quan đến việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội cần thiết kế lại rành mạch, rõ hơn, cần rõ cơ chế, thẩm quyền quyết định

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự tọa đàm Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện theo hình thức trực tuyến từ nhiều điểm cầu

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu, tham luận. Khẳng định đây là dự án Luật khó, mang tính chất chuyên ngành, liên quan đến nhiều chính sách lớn, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra,… phục vụ trực tiếp cho việc xem xét, cho ý kiến về dự án luật./.

Lê Anh - Minh Thành