TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ, ĐỒNG BỘ TRONG XÂY DỰNG, KIỆN TOÀN LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH

12/04/2023

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, đa số ý kiến chuyên gia tán thành sự cần thiết xây dựng, ban hành luật trước yêu cầu thể chế hóa các chủ trương của Đảng nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới...

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo do TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và  Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có: đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia nhà khoa học đến từ: Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Nội vụ, Học viện Cảnh sát nhân dân,...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến. Tiếp đó, thời gian qua, Chính phủ đã tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hồ sơ dự án Luật trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, các nhà khoa học... Đến nay, Dự án Luật đã cơ bản được hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2023 cho ý kiến về nội dung và xem xét quyết định trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, đồng thời xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

Để có thêm nguồn thông tin tham khảo hỗ trợ quá trình thẩm tra, cho ý kiến, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các vị đại biểu, chuyên gia góp ý khách quan, toàn diện vào những nội dung của Dự thảo luật.

Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh 

Dự thảo Luật luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 05 chương, 31 điều quy định về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thảo luận về nội dung dự thảo, các chuyên gia tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; về bảo đảm điều kiện hoạt động;... Đồng thời, phân tích, đánh giá sự  phù hợp, tính tương thích, thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật với quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, các đạo luật có liên quan.

Tán thành sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các chuyên gia nhấn mạnh, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Đồng thời, các ý kiến cũng đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc, thận trọng, công phu trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật nhằm hướng đến việc tăng cường, hoàn thiện quy chế pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thời gian tới.

Để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo các mục tiêu xây dựng luật đề gia, các chuyên gia cũng kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, tiếp tục điều chỉnh một số nội dung và kỹ thuật lập pháp trong dự thảo.

Góp ý vào quy định cụ thể, Ths. Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra đề xuất liên quan đến quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, đầu mối quản lý lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, Ths. Đậu Công Hiệp lưu ý: cần phải khắc phục các tồn tại trong các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung thêm các trường hợp phối hợp với các cơ quan để cưỡng chế thi hành án, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thu hồi đất

“Dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tầm quan trọng rất lớn và là khuôn khổ để cho lực lượng này hoạt động. Vì vậy, cần chuẩn bị rà soát kỹ lưỡng những quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này để hoàn thiện dự thảo... ” , Ths. Đậu Công Hiệp nhấn mạnh.

Ths. Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội 

Cho ý kiến về đối tượng áp dụng của Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm một điều quy định rõ đối tượng áp dụng của Luật này để người dân, các cơ quan áp dụng luật thuận tiện trong triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng bày tỏ cơ bản tán thành với các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nêu tại Điều 3 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh  sửa lại một số từ ngữ để việc tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở các địa phương được bảo đảm nguồn lực hoạt động như nhau, góp phần giữ vững an ninh, trật tự mọi miền đất nước. 

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến chuyên gia đề nghị quy định phải phân định rành mạch nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; chế độ, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị phải được quy định trên cơ sở nhiệm vụ của lực lượng này;...

Khẳng định đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia lưu ý, Ban soạn thảo cần bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của từng tổ chức cơ sở; bảo đảm tính đồng bộ , thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần tham khảo có chọn lục pháp luật một số nước để vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam/.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác