SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN: ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN VÀ THỂ CHẾ HÓA KỊP THỜI CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VỀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

14/09/2023

Sáng 14/9, tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, các ý kiến chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp đồng thời góp ý khách quan, toàn diện vào nhiều nội dung trọng tâm nhằm hoàn thiện Dự thảo.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh Hội thảo 

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có: đại diện các cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Tòa án, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội,...; đại điện các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại  kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, thực hiện chức năng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp  - là kênh thông tin độc lập nhằm góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên đồng chủ trì hội thảo

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm: 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.

Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học tập trung cho ý kiến về: quan điểm, nguyên tắc phạm vi sửa đổi Luật; về nội hàm quyền tư pháp, về hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Tòa án; việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử và việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt;…

Qua thảo luận, các chuyên gia tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi phải đảm bảo tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

TS.Nguyễn Văn Luật, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo luật, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn về tinh khả thi và nguồn lực thực hiện của một số quy định, nhất là nội dung, chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định về thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, các ý kiến đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia. Theo các chuyên gia, dự thảo Luật quy định thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Nếu như vậy không nên thay đổi tên gọi của Hội đồng. Việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia phải có tính đột phá. Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới

Về nhiệm vụ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc khi sử dụng các cụm từ “xét xử”, “giải quyết”, “quyết định”, “xem xét, quyết định”, “giải thích”, “tổng kết thực tiễn xét xử”  tại các Điều 3, 26, 28, 29, 30 của dự thảo. Nội hàm quyền tư pháp (Điều 2) chỉ quy định “xét xử, phán quyết”.

Về tổ chức các Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, cho rằng dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được tình trạng mà luật hiện hành đã thể hiện rõ sự bất cập, hạn chế trong việc tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, các ý kiến chuyên gia đề nghị, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm sẽ giải quyết sơ thẩm tất cả các vụ việc, Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ xét xử phúc thẩm tất cả các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và Tòa án nhân dân cấp cao sẽ xét xử giám thẩm, tái thẩm tất cả các vụ án bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng để tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử. Việc sửa đổi theo hướng này sẽ đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo cấp xét xử đã được Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng xác định rõ, vừa bảo đảm được tính độc lập của các cấp tòa án, vừa tạo điều kiện để mỗi cấp tòa án chuyên sâu nghiên cứu án và xét xử một loại án trong phạm vi thẩm quyền được giao.

TS.Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc việc đổi tên tòa án cấp tỉnh thành tòa án trung cấp và tòa án cấp huyện thành tòa án sơ cấp; đề nghị quy định rõ, cụ thể nội hàm các vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tại khoản 3, khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật để tăng cường tính minh bạch, tránh sự trùng lặp với thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác và tạo thuận lợi cho việc đánh giá sâu sắc, sát thực về tác động của chính sách và tính khả thi trong thực tiễn;…

Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, cho biết kết quả của hội nghị sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trong thời gian tới./.

Lê Anh