HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

21/09/2023

Sáng 21/9, tại Nhà Quốc hội, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân lý luận và thực tiễn”. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh chủ trì hội thảo.

HỘI THẢO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Toàn cảnh Hội thảo Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân lý luận và thực tiễn

Tham gia đồng chủ trì Hội thảo có TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. Tham dự hội thảo có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện một số Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố; cùng các chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo nằm trong khung khổ nghiên cứu Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, năm 2015, Quốc hội ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Hội đồng nhân dân trong tổ chức chính quyền địa phương và trong việc hiện 2 chức năng quan trọng, đó là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu khai mạc hội thảo

Tiếp đó, năm 2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân và năm 2022 ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thực hiện các quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương,…

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì Hội thảo

Đồng thời, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó ngày càng góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo Báo cáo tổng kết về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 và qua báo cáo của các địa phương thời gian qua, cho thấy: Phương thức giám sát của nhiều địa phương chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, đọc báo cáo. Hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều; một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

Ngoài ra, công tác giám sát có hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu; phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế; hoạt động chất vấn ở phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân chưa được thường xuyên, cấp huyện, cấp xã còn ít tổ chức phiên giải trình;…

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong nguyên nhân khách quan có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Do đó, để bảo đảm hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng thực chất, hiệu quả, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các chuyên gia góp ý thẳng thắn, đánh giá khách quan, toàn diện, có hệ thống nhằm tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, luận chứng các quan điểm, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, bảo đảm hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả.

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII

Hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Tại hội  thảo, các chuyên gia cho rằng, Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa  phương, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Để thực hiện được vai trò cũng như vị trí của mình, pháp luật quy dịnh cho Hội đồng nhân dân quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội  đồng nhân dân. Quy định của pháp luật về cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên thực tế triển khai đã bộc lộ một số hạn chế làm giảm hiệu quả của hoạt động giám sát của Hội  đồng nhân dân. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Đại học Luật Hà Nội

Phân tích một số hạn chế của pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các chuyên gia chỉ rõ: Đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện theo quy định hiện nay là khá rộng; pháp luật hiện hành chưa có biện pháp, chế tài hoặc cơ chế hữu hiệu để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ, trì hoãn việc tiếp thu, điều chỉnh theo đúng những kiến nghị của các cơ quan chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp sau giám sát;…

Từ thực tiễn này, các chuyên gia kiến nghị: Việc hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 27-NQ/TW; Quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tương xướng với chức năng, nhiệm vụ được giao…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị, cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; bổ sung quy định biện pháp chế tài cụ thể để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát;…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân

Cũng tại hội thảo, chia sẻ về một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại các địa phương tổ chức mô hình chính quyền đô thị, các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực, như: Nghiên cứu, sớm tổng kết việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị; Nghiên cứu khả năng sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị;…

Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã phân tích, đánh giá thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhan dân các cấp thành phố; làm rõ các vấn đề lý luận về giám sát của Hội đồng nhân dân; những vấn đề về nội dung, hình thức giám sát;…

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

Phát biểu kết thúc hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá làm rõ bức tranh tương đối toàn cảnh về những vấn đề lý luận, thực trạng pháp luật, cơ chế thực thi liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, gợi mở và đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham góp tại hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, làm cơ sở, nguồn thông tin khoa học quan trọng phục vụ quá trình triển khai, hoàn thiện Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân lý luận và thực tiễn

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu khai mạc hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Khoa Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII

TS. Phạm Quốc Ka, Trưởng Ban Pháp chế, Hội dồng nhân dân thành phố Hải Phòng

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Đại học Luật Hà Nội

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam

TS. Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết thúc hội thảo.

Lê Anh - Nghĩa Đức