Nghiệm thu chính thức đề tài cấp bộ: “Hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện sáng quyền lập pháp - Cơ sở lý luận và thực tiễn”

16/03/2017

Ngày 14.3.2017, đề tài cấp bộ: “Hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện sáng quyền lập pháp - Cơ sở lý luận và thực tiễn” do TS. Trần Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Viện NCLP làm Chủ nhiệm đã được nghiệm thu chính thức. Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội làm Chủ tịch. Hội đồng nhất trí nghiệm thu, đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Về lý luận, đề tài nghiên cứu vấn đề sáng quyền lập pháp và việc thực hiện sáng quyền lập pháp của ĐBQH; cơ chế hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp. Đề tài đã đưa ra khái niệm sáng quyền lập pháp, phân định chủ thể của sáng quyền lập pháp ở Việt Nam và trên thế giới; làm rõ đặc thù quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH. Đề tài cũng đã làm rõ khái niệm, các căn cứ pháp lý, nội dung và phương thức hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp; các yếu tố tác động và những vấn đề cần chú ý khi hỗ trợ ĐBQH thực hiện quyền này.

Đề tài đã phân tích thực trạng, chỉ rõ những hạn chế trong việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của ĐBQH trong thời gian qua, nhấn mạnh những khó khăn trong quá trình đại biểu thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật. Đề tài chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại bắt nguồn từ phía chủ thể thực hiện sáng quyền lập pháp và nguyên nhân từ chính những hoạt động hỗ trợ thực hiện. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng các ĐBQH hầu như chưa sử dụng quyền này. Nguyên nhân chính là do tâm lý e ngại, sự quá tải của chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội cũng như khó khăn về quỹ thời gian của ĐBQH, nhất là ĐBQH kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, hiệu quả của hoạt động hỗ trợ ĐBQH trong hoạt động này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quy định pháp luật, nhận thức, phương thức tổ chức thực hiện cũng như các nguồn nhân lực, tài chính và thông tin.

Ban chủ nhiệm đề tài khẳng định, để ĐBQH có thể thực hiện sáng quyền lập pháp của mình một cách hiệu quả trong thời gian tới, việc đổi mới công tác hỗ trợ đối với ĐBQH là rất cấp thiết. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn và tham chiếu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài, đề tài đã đề xuất 03 nhóm giải pháp cơ bản nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ ĐBQH triển khai thực hiện sáng quyền lập pháp: (1) Nhóm giải pháp tăng cường nhận thức về vai trò của hoạt động hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp; (2) Nhóm giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về sáng quyền lập pháp của ĐBQH và hoạt động hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp; (3) Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.

Hội đồng khoa học nhấn mạnh, trước yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp cần được quan tâm và tiến hành đồng bộ để mỗi ĐBQH có đầy đủ các điều kiện thực hiện những quyền năng đã được pháp luật quy định. Do vậy, hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn cao. Đóng góp mới của đề tài là đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về việc thực hiện sáng quyền lập pháp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ ĐBQH thực hiện sáng quyền lập pháp, chỉ ra những hạn chế trong hoạt động này. Các nhóm giải pháp được đề xuất trong đề tài có cơ sở khoa học, có tính thuyết phục và khả năng ứng dụng trong thực tế.

Trung tâm TTKHLP