VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP: 10 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

28/12/2018

Sáng ngày 28/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp (2008 -2018) và tổng kết công tác năm 2018. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp và tổng kết công tác năm 2018 

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp - cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 614/2008/UBTVQH12 ngày 29/4/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động ngày 15/8/2008 đến nay, Viện đã trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu khai mạc Hội nghị 

Theo báo cáo Tổng kết 10 năm hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp do PGS.TS Hoàng Văn Tú trình bày, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện chức năng tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

 Công tác Nghiên cứu khoa học

Từ khi thành lập đến nay, cán bộ, chuyên viên của Viện đã trực tiếp làm chủ nhiệm của 53/159 đề tài cấp bộ và 123/165 đề tài cấp cơ sở. Đánh giá chung, các công trình nghiên cứu của Viện chủ yếu là nghiên cứu chính sách, những vấn đề liên quan đến dự án Luật và những vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả nghiên cứu đề tài đã góp phần phục vụ cho hoạt động thẩm tra dự án Luật của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội; cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, Uỷ bsn Thường vụ Quốc hội phục vụ quá trình hoàn thiện, thông qua dự án Luật. Sau 10 năm, Viện đã thực hiện được: 304 chuyên đề NCKH, 137 chuyên đề TTKH, 05 báo cáo kết quả khảo sát, điều tra (không bao gồm các cuộc khảo sát phục vụ đề tài).

Trong công tác phục vụ phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Viện đã thực hiện nghiên cứu một số tài liệu phục vụ phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như: Báo cáo ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai và nhiều dự án luật khác... Theo yêu cầu cung cấp thông tin từ Hội đồng dân tộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Viện đã thực hiện đóng góp ý kiến vào nhiều dự thảo luật trình Quốc hội.

Viện là đầu mối giúp Đảng đoàn Quốc hội trong việc thực hiện phục vụ triển khai Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị; tham gia giúp việc cho Tổ biên tập, giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW.

Theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, Viện đã thực hiện các nhiệm vụ: nghiên cứu phục vụ Đảng đoàn Quốc hội hoàn thiện đề án về sở hữu các loại tài sản mới; Tổng kết 30 năm đổi mới phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo sự phân công của Lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Viện được giao các nhiệm vụ: Xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong toàn bộ hệ thống chính trị; Xây dựng các tài liệu nghiên cứu phục vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Tham gia xây dựng Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Thực hiện xây dựng tổng hợp Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ IPU 132, Viện đã tổ chức 03 hội thảo khoa học, các hội thảo đã góp phần giúp IPU 132 đề ra được: Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu; nội dung về quản trị nước trong“Tuyên bố Hà Nội”.

Bên cạnh đó, Viện cũng nhận được yêu cầu đặt hàng từ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Viện đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng một số dự thảo như: Chiến lược phát triển ngành tư pháp; dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu (sửa đổi, bổ sung); dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử Quốc gia; …

Bên cạnh các hình thức nghiên cứu đề tài, điều tra xã hội học, nghiên cứu chuyên đề, cách thức triển khai tổ chức Hội thảo, Tọa đàm đã giúp Viện triển khai nhiệm vụ khoa học được nhanh chóng, thu hút đại biểu Quốc hội quan tâm đến các vấn đề mới và khó đang được Quốc hội xem xét một cách trực tiếp. Thông qua Hội thảo, đại biểu Quốc hội sẽ có sự tương tác với Viện, với các chuyên gia, các nhà khoa học, từ đó đại biểu Quốc hội thu nhận được nhiều thông tin bổ ích đa chiều.

Công tác Thông tin khoa học

Trong 10 năm, Viện đã tiếp nhận 15.794 phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, trả lời được 15.616 phiếu. Cung cấp 6.912 tài liệu tham khảo, 6.297 thông tin chuyên đề đến tay đại biểu Quốc hội. Kể từ năm 2015, đầu mối tiếp nhận yêu cầu thông tin từ đại biểu Quốc hội được điều chuyển về Văn phòng Quốc hội, Viện không trực tiếp tiếp nhận thông tin từ đại biểu Quốc hội, nhưng đại biểu Quốc hội vẫn gửi trực tiếp yêu cầu cung cấp thông tin đến Viện ở cả trong và sau kỳ họp. Đánh giá trong 10 năm qua, dù có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, song ở mỗi thời kỳ, Viện đều cố gắng thực hiện tốt cung cấp thông tin theo yêu cầu đại biểu Quốc hội, được đại biểu Quốc hội tin tưởng, đánh giá cao.

Công tác Quản lý khoa học

Hiện nay hoạt động Quản lý khoa học đã có nhiều đổi mới, từng bước củng cố, lập lại trật tự, tăng cường trong công tác quản lý khoa học, Nghiên cứu khoa học. Về kết quả cụ thể, Viện đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 497; đang khẩn trương rà soát hoàn thiện cơ chế pháp lý liên quan đến công tác quản lý khoa học. Phục vụ các hoạt động của Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Từ khi thành lập đến nay, Viện đã trực tiếp chủ trì, tổ chức nghiên cứu 01 đề tài cấp Nhà nước; tổ chức nghiên cứu và quản lý 01 Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 159 đề tài cấp Bộ; 165 đề tài cấp cơ sở.

Công tác biên tập sách chuyên khảo, kỷ yếu, ấn phẩm thông tin

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa sản phẩm, đến nay Viện đã biên tập được hơn 20 cuốn sách các loại. Trong đó có những sách được lãnh đạo Quốc hội trực tiếp chỉ đạo, cụ thể: Sách “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” (2016). Cuốn sách do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII trực tiếp chỉ đạo. Cuốn sách đạt Giải B của giải thưởng “Sách hay Quốc gia lần thứ nhất, năm 2018” do Bộ Thông tin Truyền thông và Hội xuất bản Việt Nam tổ chức; Sách “Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam – Kế thừa, đổi mới và phát triển” (2016). Cuốn sách do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chỉ đạo.

Công tác xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

Trong 05 năm (2013-2018) hoạt động, Tạp chí đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Từng bước nâng cao chất lượng bài viết, đáp ứng được tiêu chí: kịp thời, chính xác, khoa học. Đến nay Tạp chí đã xuất bản được 120 số (mỗi tháng 02 số), hơn 100.000 bản in.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo tổng kết 10 năm Viện Nghiên cứu lập pháp cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế đồng thời nêu rõ định hướng, giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới. Về định hướng phát triển giai đoạn 2018 -2028, Viện Nghiên cứu lập pháp xác định tầm nhìn trở thành cơ quan nghiên cứu lập pháp hàng đầu trong nước và khu vực với sứ mệnh cung cấp thông tin và dịch vụ nghiên cứu phục vụ toàn diện hoạt động của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Viện Nghiên cứu lập pháp trong thời gian qua đối với hoạt động Quốc hội, đối với khoa học lập pháp, thông tin lập pháp. Viện được tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số Bộ, ngành liên quan triển khai chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đề tài là cơ sở lý luận thực tiễn sửa đổi, bố sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phục vụ trực tiếp, kịp thời trong quá trình xây dựng Hiến pháp và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo biên soạn thành cuốn sách và vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản công nhận là tác phẩm đạt giải 2 trong toàn quốc. Đây là công trình có đóng góp to lớn của tập thể Viện Nghiên cứu lập pháp. 

Trong 10 năm qua Viện đã chủ động hoặc trên cơ sở yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cung cấp thông tin khoa học lập pháp, tiếp nhận quản lý, khai thác, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học lập pháp, tài liệu gửi tới các cơ quan, cá nhân. Kết quả nghiên cứu khoa học của Viện được các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá tốt. Tuy nhiên trong công tác nghiên cứu, tham mưu của Viện Nghiên cứu lập pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: đề tài chuyên đề nghiên cứu chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính hê thống; chủ yếu tập trung vào hoạt động lập pháp chưa cân đối với hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nhiều chuyên đề chưa bám sát vào thực tiễn hoạt động của Quốc hội; tính dự báo chưa cao; một số đề tài nghiên cứu mang nặng tính hàn lâm; …Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh do Viện Nghiên cứu lập pháp mới thành lập, chưa có tiền lệ, mô hình tổ chức hoạt động Viện cần tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn chính sách cho Quốc hội được hiệu quả. Bước sang năm 2019, Phó Chủ tịch cũng bày tỏ hy vọng tập thể Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; đúng với quy định của Đảng, pháp luật nhà nước, đúng định hướng mà lãnh đạo Quốc hội đặt ra cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ts.Lê Hải Đường thay mặt tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp thể hiện quyết tâm trong năm 2019 sẽ nỗ lực tiếp tục đổi mới hoạt động của Viện trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy dân chủ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng tại hội nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp tiến hành tổng kết công tác năm 2018./.

 

Lê Anh - Trọng Quỳnh