KINH NGHIỆM VỀ KỸ NĂNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP

23/08/2019

Sáng ngày 23/8, tại Quảng Ninh, trong khuôn khổ hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tiếp xúc cử tri và kỹ năng chất vấn tại kỳ họp” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg CHLB Đức tổ chức, các đại biểu tập trung thảo luận về kỹ năng chất vấn tại kỳ họp.

Toàn cảnh hội thảo

Chất vấn là một trong những hình thức thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Thông qua chất vấn nhằm làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các định chế về một vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của mình và tổ chức do mình chịu trách nhiệm quản lý. Đồng thời chất vấn còn có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho Quốc hội đánh giá các thành viên Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Theo đa số ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, thực tiễn hoạt động chất vấn của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa rất tích cực đối với quá trình hoàn thiện chính sách và thể chế, hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình hoạt động nghị trường, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc xác định vấn đề cần chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là nội dung khó nhất trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Theo đại biểu, nội dung chất vấn phải là những vấn đề lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng mang tính cấp thiết ảnh hưởng đến sự phát triển chung; đồng thời nội dung chất vấn phải rõ ràng để có thể xác định được trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn để chất vấn xảy ra ở một nơi cụ thể nhưng phải mang tầm vóc quốc gia, liên quan đến chính sách và trách nhiệm của người bị chất vấn. Thực trạng đang diễn ra của vấn đề chất vấn phải là vấn đề đang được cử tri và xã hội quan tâm. Đó phải là vấn đề chung chứ không phải là việc cá nhân.

Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ về hoạt động chất vấn, ông Friedrich Straetmanns, Đại biểu Đảng Cánh Tả Die Linke, Hạ nghị Viện Quốc hội CHLB Đức cho biết, chất vấn là hình thức được sử dụng thường xuyên cho hoạt động kiểm soát của Quốc hội. Theo quy định, khi 5% đại biểu đặt câu hỏi chất vấn về một chủ đề nào đó, chủ đề đó sẽ được đưa lên Chính phủ. Các câu hỏi chất vấn được tổng hợp và gửi lên Chủ tịch Hạ nghị Viện. Sau đó, Chủ tịch Hạ nghị Viện sẽ chuyển câu hỏi lên Chính phủ liên bang đề nghị có trả lời. Chính phủ sẽ trả lời các chất vấn bằng văn bản. Các câu hỏi chất vấn quan trọng cũng sẽ được thảo luận trong các phiên họp thường kỳ của Quốc hội.

Phân tích về thời gian đặt câu hỏi trực tiếp và các câu hỏi văn bản, ông Friedrich Straetmanns, Đại biểu Đảng Cánh Tả Die Linke, Hạ nghị Viện Quốc hội CHLB Đức chỉ rõ, mỗi thành viên trong Hạ nghị Viện được quyền đưa ra tối đa 4 câu hỏi mang tính hàm súc ở dạng văn bản cho Chính phủ, và sẽ nhận được phản hồi trong vòng một tuần. Thời gian chất vấn trong các cuộc họp Quốc hội thường kéo dài 3 tiếng. Mỗi thành viên của Hạ nghị Viện có thể trực tiếp đặt hai câu hỏi cho Chính phủ. Đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động chất vấn, Đại biểu Đảng Cánh Tả Die Linke nhấn mạnh hoạt động chất vấn nên được tăng cường để cho các thành viên của Quốc hội có cơ hội tranh luận với đầy đủ thông tin cần thiết.

Ông Friedrich Straetmanns, Đại biểu Đảng Cánh Tả Die Linke, Hạ nghị Viện Quốc hội CHLB Đức phát biểu tại hội thảo

Cho biết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Lào, đại biểu Quốc hội Lào khẳng định, hoạt động chất vấn ngày càng được coi trọng. Trong các phiên chất vấn, đại biểu đã đưa ra những vấn đề được đa số cử tri quan tâm, vấn đề xã hội đang bức xúc để Chính phủ và các Bộ, ngành giải trình. Thông qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề nêu ra đã được giải quyết, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Từ đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của các đại biểu Quốc hội Lào.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn cho ý kiến về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chất vấn của đại biểu Quốc hội; kinh nghiệm chất vấn trong lĩnh vực tư pháp hình sự; kỹ năng tranh luận lại trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Cho ý kiến về kỹ năng chất vấn đối với hoạt động tư  pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng chất vấn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đối với hoạt động tư pháp là một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chất vấn hoạt động tư pháp vừa là quyền vừa là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật cũng như trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, người đứng đầu các cơ quan tư pháp. Do tính chất quan trọng của chất vấn đối với hoạt động tư pháp, đại biểu nhấn mạnh người chất vấn phải có địa vị pháp lý và năng lực chủ thể đặc biệt, chỉ có đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mới có thẩm quyền, năng lực pháp lý tiến hành, dó đó hoạt động này không được ủy quyền thực hiện. Đồng thời, khi đặt câu hỏi chất vấn liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tư pháp, cần tránh sa đà vào việc đánh giá chứng cứ trong việc giải quyết những vụ việc, vụ án cụ thể mà tập trung vào đánh giá việc chấp hành pháp luật về tố tụng và việc tuân thủ pháp luật trong việc áp dụng các quy định pháp luật về nội dung.

Bế mạc hội thảo

Bế mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, tích cực hội thảo đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Tại hội thảo đã có 12 bài tham luận; hơn 37 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tranh luận về những nội dung liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri và chất vấn tại kỳ họp. Mặc dù đây là vấn đề không mới nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của các đại biểu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc cử tri và chất vấn tại kỳ họp. Cũng tại hội thảo, các vị đại biểu đến từ Quốc hội Lào và Hạ nghị viện Quốc hội CHLB Đức đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn lý thú, bổ ích. Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến phát biểu gửi tới Ban Công tác đại biểu và các đơn vị liên quan về kết quả của hội thảo./.

Lan Anh - Lan Hương