Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 -2021
Sự cần thiết
Quốc hội khóa XIV có nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, ngoại giao nghị viện. Kế thừa, phát huy thành tựu các khóa Quốc hội trước, hoạt động của Quốc hội khóa XIV ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ và hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Nhiều sự kiện nổi bật được ghi nhận tại nhiệm kỳ Quốc hội này, như: nhiều đạo luật quan trọng, bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được Quốc hội thông qua; hoạt động giám sát tiếp tục được cải tiến, nâng cao hiệu quả, tập trung vào những vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm; nhiều quyết định quan trọng được ban hành; đẩy mạnh việc thể chế hóa chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoạt động đối ngoại đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào hoạt động ngoại giao chung của đất nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trỡ hoạt động của Quốc hội;...
Chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, việc biên soạn, xuất bản cuốn sách về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV là cần thiết nhằm tổng kết đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những thành tựu đã đạt được, những kết quả đổi mới, những dấu ấn nổi bật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Việc biên soạn cuốn sách này là hoạt động tổng kết mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về Quốc hội khóa XIV, có tính khoa học cao.
Mục đích
Cuốn sách về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV được biên soạn nhằm mục đích:
. Phản ánh đầy đủ, khách quan kết quả tổ chức và hoạt động, những sự kiện quan trọng, nổi bật của Quốc hội khóa XIV trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và hợp tác quốc tế, về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, chỉ ra các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện để ngày càng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước. Cuốn sách là công trình khoa học vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có tính tổng kết thực tiễn về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;
. Là cẩm nang biên niên sử của Quốc hội khóa XIV, là một trong những tài liệu nghiên cứu về Quốc hội, nhất là nhiệm kỳ khóa XIV.
Yêu cầu đặt ra
Việc biên soạn cuốn sách phải bảo đảm:
. Bám sát thực tiễn, phản ánh đúng mức, khách quan, khái quát các sự kiện quan trọng, nổi bật, dấu ấn, đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XIV;
. Đánh giá sâu sắc, đầy đủ, toàn diện các thành tựu và một số vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV trên các phương diện: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và hợp tác quốc tế, phương thức hoạt động của Quốc hội; những kinh nghiệm rút ra;
. Có tính tổng kết, khoa học, lý luận và thực tiễn; cô đọng, dễ tiếp cận; bảo đảm các quy định về bảo mật;
. Huy động được trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào công trình này;
. Có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, theo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra.
Nội dung cuốn sách
Về nội dung, cuốn sách có nội dung đề cập đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Kết cầu gồm 2 phần:
. Phần 1: Tổng quan về Quốc hội khóa XIV. Phần này phân tích về tổ chức của Quốc hội khóa XIV; phân tích những thành tựu của Quốc hội khóa XIV về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và hợp tác quốc tế, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội; những dấu ấn quan trọng, những kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra để tiếp tục đổi mới, phát triển.
. Phần 2: Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Phần này phân tích những kết quả quan trọng trong tổ chức và hoạt động các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Dự kiến, thời gian xuất bản cuốn sách vào tháng 01/2020; thời gian phát hành sách vào kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì triển khai thực hiện biên soạn cuốn sách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo. Các cơ quan phối hợp gồm Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan./.