Góp ý hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

30/09/2015

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm: “Góp ý hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)”.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Viện nghiên cứu lập pháp, nhằm góp phần hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này có nhiều điểm tiến bộ, cụ thể hóa được quyền con người quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013.

Các chuyên gia tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề như: nguyên tắc suy đoán vô tội; quyền được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; giải quyết tình trạng thiếu luật sư trong quá trình tố tụng…

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, các chuyên gia cho rằng, việc dự thảo Luật quy định như vậy là cần thiết, vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, việc triển khai chính sách và các biện pháp cụ thể thực thi các quy định trên cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Cụ thể, như việc bắt được trộm trên phố, hay bắt quả tang một người phạm tội, nhưng người đó nhận tội ngay trước khi về đến trụ sở của cơ quan điều tra. Cán bộ điều tra sẽ ghi âm ghi hình vào lúc nào, bằng phiên tiện nào? Do trên thực tiễn, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người. Do đó, các chuyên gia đề nghị, cần tính đến chi phí đầu tư trang thiết bị ghi âm ghi hình cho cán bộ điều tra để có thể phản ứng kịp thời trước mọi hoàn cảnh của quá trình điều tra tội phạm.

Về nguyên tắc suy đoán vô tội, tại Điều 13 của dự thảo Luật quy định:Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”; “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.

Bày tỏ quan điểm về nguyên tắc suy đoán vô tội, các chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng, đây là vấn đề cốt lõi trong pháp luật tố tụng hình sự; việc chú ý, xem xét kỹ lưỡng đến các tình tiết ngoại phạm theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo là cần thiết để đảm bảo tránh oan, sai trong điều tra, xét xử.

Các chuyên gia chia sẻ, việc áp dụng nguyên tắc này trong tố tụng hình sự ở Hoa Kỳ thông qua một cơ quan có tên Bồi thẩm đoàn, gồm 12 thành viên làm nhiệm vụ theo dõi quá trình công tố và điều tra cho đến khi không còn bất cứ một sự nghi ngờ hợp lý gì nữa mới đưa ra kết luận là có tội. Các chuyên gia cho biết thêm, tại Hoa Kỳ, đến 90% các vụ án hình sự đều phải giải quyết thông qua Bồi thẩm đoàn.

Về tình trạng thiếu luật sư, các chuyên gia cho biết, mặc dù ở Hoa Kỳ, cứ 300 người có 1 luật sư, mà vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Còn ở Việt Nam, cứ 19.000 người mới có 1 luật sư thì không thể nào đáp ứng và đảm bảo được quyền bào chữa cho các bị can như trong luật định.

Đối với tình trạng không có đủ luật sư ở Việt Nam như hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần giải quyết bằng việc nhà nước cần phải quan tâm, đầu tư huấn luyện thêm đội ngũ bào chữa viên- những người có hiểu biết và khả năng nhất định về pháp luật để có thể bào chữa cho bị can, bên cạnh đội ngũ luật sư.

Nguyễn Phương- Hồ Hương