Tăng cường thể chế để thúc đẩy phát triển

16/10/2015

Chiều 16/10, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Tọa đàm: “Tăng cường thể chế để thúc đẩy phát triển”. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp TS.Nguyễn Xuân Phương chủ trì tọa đàm.

Phó viện trưởng Nguyễn Xuân Phương phát biểu tại Tọa đàm

Buổi tọa đàm có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của GS.Hilton Root, chuyên gia kinh tế chính trị học quốc tế thuộc Trường chính sách công, Đại học Geogre Menson, Hoa Kỳ, về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt đọng của hệ thống thể chế góp phần thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS.Nguyễn Xuân Phương cho biết Việt Nam là quốc gia đang có những tiến bộ trong cải cách thể chế và không thể không kể đến các kinh nghiệm học tập từ các quốc gia phát triển về đổi mới thể chế.

Vai trò của thể chế, đặc biệt là các chế định trung gian tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các vườn ươm công nghệ cũng như liên kết giữa các trường đại học- viện nghiên cứu và các doanh nghiệp khởi sự đã được Việt Nam tìm hiểu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thời gian đó, Việt Nam đã hình thành những mô hình khu công nghệ cao như, tại những địa phương khác của Việt Nam có những sáng kiến hình thành các công viên công nghệ được triển khai nhanh chóng và cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ phần mềm.

Về khung thể chế cho phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ của Việt Nam có rất nhiều những văn bản luật quy định như Luật công nghệ thông tin 2006, Luật công nghệ cao 2008 và Luật khoa học công nghệ 2014. Luật công nghệ cao 2008 đã định ra khung thể chế cho tổ chức, hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao cũng như đề cập đến vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu và việc hình thành các vườn ươm công nghệ.

Tại buổi Tọa đàm TS. Hilton Root đặt ra vấn đề, trong quá trình chuyển đổi của các nước đang phát triển từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp có cần quan tâm đến đổi mới công nghệ, sáng tạo tri thức hay không. Theo TS. Root một nền kinh tế muốn tăng trưởng và phát triển phải có năng lực về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Việc biến những ý tưởng trừu tượng thành những sản phẩm có giá trị chính là con đường quan trọng nhất để xóa đói giảm nghèo trong thế kỷ XXI.

Tiếp thu những kỹ năng công nghệ không phải là rào cản duy nhất đặt ra đối với những quốc gia đang phát triển, thành công đòi hỏi phải có hạ tầng pháp lý và tài chính cũng như phải có đào tạo và cơ sở vật chất.

Vị trí tiên phong về công nghệ đòi hỏi phải có những thể chế là cầu nối giữa ý tưởng và nguồn vốn để biến ý tưởng mới thành những sản phẩm mà thị trường cần. Theo đó, các quỹ tín thác, pháp luật, các lực lượng trong xã hội, cơ cấu quản trị nội bộ, trung gian tài chính, thông tin, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội dân sự là những yếu tố đóng góp quan trọng.

Minh họa bằng sự phát triển của thung lũng Silicon của Hoa Kỳ, TS.Root khẳng định trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thì tài trợ tiền để thực hiện các ý tưởng vẫn chưa đủ; việc tạo ra những doanh nghiệp vững mạnh có thể sản xuất và bán những thành phẩm khả thi về thương mại đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng trung gian. Tại Hoa Kỳ việc thiếu khâu trung gian để thúc đẩy doanh nghiệp được bù đắp bằng các nhà đầu tư mạo hiểm.

Bên cạnh đó, để tăng khả năng đổi mới sáng tạo tập trung vào những vấn đề nhức nhối nhất trong xã hội có thể thu hút được vốn, chính sách của Chính phủ nên tập trung vào những ngành hoặc những giai đoạn phát triển sản phẩm đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian học hỏi.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có những dịch vụ và hàng hóa công đáng tin cậy, tạo điều kiện thực thi hợp đồng với chi phí hợp lý. Đồng thời, đổi mới sáng tạo phải được bảo vệ bởi các quy định rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ và tài sản, được minh định trong luật và hệ thống tư pháp có thể thu hồi tài sản đảm bảo, thực hiện bảo lãnh và răn đe việc vi phạm hợp đồng một cách hiệu quả.

Bảo Yến