UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN KIẾN, NGHỊ CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 9 QUỐC HỘI KHÓA XIV

08/05/2020

Sáng ngày 08/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, cử tri và Nhân dân tin tưởng, đồng tình, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, sự vào cuộc tích cực của của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra Lời kêu gọi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị có liên quan về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, an sinh xã hội, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, nhất là của ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, của cán bộ ở cơ sở và các lực lượng khác đã rất vất vả, quên mình trên tuyến đầu chống dịch. Từ diễn đàn Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin trân trọng cảm ơn về sự đồng tâm, đoàn kết của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực ủng hộ phòng, chống dịch bệnh suốt thời gian vừa qua.

Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 10 vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình. 

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh tại phiên họp

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 nhóm vấn đề.

Trong đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 phù hợp với tình hình chung và từng địa phương; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để bảo đảm kế hoạch, chương trình dạy học và nội dung, kiến thức của học sinh, sinh viên; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức.

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo Báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo đã phản ánh được tình trạng chung, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân về những vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, những vấn đề đang diễn ra trong xã hội mà chúng ta cần phải quan tâm giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ khi duy trì không có trường hợp nào tử vong, và tính đến hôm nay là sau 23 ngày không có trường hợp nào lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Báo cáo cần đánh giá đậm nét hơn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta trong thời gian qua. Bởi thế giới đang đánh giá rất cao công tác phòng, chống, kiểm soát dịch ở nước ta. Lần đầu tiên báo CNN đã đưa tin về thành công của Việt nam trong việc ngăn dịch với số lượng ca nhiễm thấp và không có người tử vong, điều này đã nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, dự thảo Báo cáo cần đánh giá đậm nét hơn về vấn đề này thông qua việc bổ sung thêm số liệu cụ thể cũng như những đánh giá của quốc tế đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Phát biểu góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo Báo cáo lần này vẫn mang tinh thần của các kỳ họp trước, chưa làm nổi bật được bối cảnh đặc biệt của năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, năm 2020 là năm lịch sử đất nước ta đứng trước một thách thức lớn về kinh tế- xã hội, trước tác động của đại dịch Covid-19- một đại dịch toàn cầu.  Ngoài ra, năm nay cũng là năm Đại hội Đảng các cấp. Do vậy, dự thảo Báo cáo cần đánh giá đậm nét, cụ thể và đầy đặn hơn, làm nổi lên các điểm nhấn lớn của năm 2020 mới phản ánh đúng được bối cảnh cũng như các phản ánh, nguyện vọng của nhân dân.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phần đề xuất trong dự thảo Báo cáo lần này vẫn còn mờ nhạt, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải gia cố và làm sâu sắc thêm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp

Đồng tình với ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo cần phải làm sâu sắc hơn các nội dung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, dự thảo Báo cáo cần phải thể hiện đậm đà, cụ thể hơn về bối cảnh của nước ta trong năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ngoài dịch bệnh Covid-19, nước ta còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều gia đình phải tắm rửa, giặt đồ bằng nước mặn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, dự thảo Báo cáo cần bổ sung các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, không chỉ có đời sống người dân mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hộ buôn bán nhỏ lẻ… đều phải đóng cửa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thành phần doanh nghiệp cũng là cử tri, do vậy dự thảo Báo cáo cũng cần phản ánh đầy đủ những tâm tư, kiến nghị  của doanh nghiệp.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tinh thần đoàn kết, chia cơm sẻ áo, những hình ảnh, văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam trong đại dịch thời gian vừa qua đã khiến cộng đồng quốc tế ngỡ ngàng. Chưa có một quốc gia nào bảo hộ công dân như nước ta trong đại dịch, khi chúng ta liên tục sẵn sàng đón người dân Việt Nam ở nước ngoài về trong bối cảnh như thế này… Các đại biểu đề nghị, dự thảo Báo cáo cũng cần bổ sung, làm toát lên được tất cả những điều này.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao tinh thần chuẩn bị Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nhóm kiến nghị đã được tổng hợp. Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm các nội dung trong dự thảo Báo cáo trên cơ sở các góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, đảm bảo bao quát được tình hình bối cảnh nước ta trong năm nay, trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, các vấn đề liên quan đến giá cả hàng hóa, vấn đề xâm nhập mặn, hoạt động của doanh nghiệp, tình hình quốc phòng, an ninh… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các ý kiến, kiến nghị phản ánh trong dự thảo Báo cáo sao cho đảm bảo sát với thực tế./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác