Thế nhưng khi có sự cố, Sở GTCC lại rất khó có thể tìm ra chủ nhân của những đường điện này.
Thời gian tới, nằm trong kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp, dây điện của thành phố, nếu sau khi thông báo mà những dây điện vẫn không có chủ nhân sẽ bị cắt.
Thưa ông, kế hoạch ngầm hóa dây điện của thành phố sẽ được triển khai như thế nào?
Theo chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, bắt đầu từ tháng 5/2007, Sở GTCC Hà Nội đã bắt tay vào phối hợp nghiên cứu, lập đề án.
Theo đó, trong năm 2007-2008 Hà Nội sẽ thí điểm ngầm hóa dây điện tại 5 tuyến phố (gồm phố Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ xung quanh hồ Hoàn Kiếm; Tuyến Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ; Tuyến Nguyễn Thái Học - Kim Mã; Tuyến Hai Bà Trưng; Tuyến Văn Cao - Trần Duy Hưng).
5 tuyến này có chiều dài khoảng 48km, tổng kinh phí là 200 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 130 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp 70 tỷ đồng.
Kế hoạch tiếp theo trong 3 năm từ 2008-2010, Sở GTCC sẽ ngầm hóa toàn bộ đường dây điện của thành phố với chiều dài trên 140.000km.
Hiện thành phố đã đầu tư thí điểm nhiều tuyến tuynen kỹ thuật phục vụ cho việc ngầm hóa, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các tuyến tuynen này?
Hà Nội đã đầu tư tuyến tuynen kỹ thuật trên đường Nguyễn Trãi với chiều dài 8km (2 bên đường), kích thước hào 1mx1m. Tuy nhiên đến nay, duy nhất có một tuyến cáp điện lực đi vào tuyến này.
Tương tự, tuyến hào kỹ thuật trên đường Văn Cao có chiều dài 1.700m, kích thước 1,5mx1,5m được xây dựng xong từ năm 2003 nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đưa dây vào...
Nhìn chung, do một số nguyên nhân khác nhau nên các tuyến tuynen chưa phát huy hiệu quả.
Vì lý do đó, lần này trong thiết kế đã được điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo đưa được toàn bộ hệ thống dây điện, cáp vào trong tuyến tuynen, hiệu quả ngầm hóa sẽ đạt được.
Ngay trong lúc Hà Nội đang ráo riết công việc ngầm hóa thì nhiều dây điện vẫn hàng ngày được vắt thêm lên những cột điện, hàng cây vốn đã quá tải vì các loại dây?
Đúng là có hiện tượng đó vì vậy Sở giao cho Thanh tra GTCC thường xuyên kiểm tra, kiểm soát. Thời kỳ cao điểm, mỗi tuần thanh tra phát hiện và xử lý một trường hợp đặt trộm đường dây. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này đã giảm đáng kể.
Có một thực tế là việc khai nhận của các đơn vị sở hữu những đường dây này hiện gặp khó khăn. Rất có thể vì một đường dây vô thừa nhận mà gây ách tắc dự án hạ ngầm của cả tuyến phố. Sở GTCC sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Qua khảo sát ban đầu thì những đường dây vắt trên các tuyến phố thuộc sở hữu của nhiều đơn vị như ngành điện lực, thông tin, cáp truyền hình... Và trong số đó có rất nhiều dây không còn hoạt động.
Về việc này, sở có kế hoạch thông báo đến những đơn vị chủ chốt có nhiều dây để họ tự khai nhận, kế đó sở sẽ cho đăng thông báo trên các phương tiện thông tin.
Sau 15 ngày đăng báo, nếu không có đơn vị nào nhận đường dây, chúng tôi tiến hành cắt bỏ và chỉ hạ ngầm những đường dây đã xác định được chủ.
Xin cảm ơn ông!