* Thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự
* Thông qua Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án
Trước đó, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án. Dự án Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án đã được trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ Mười bảy, ngày 23.2, nhưng do cơ quan trình và cơ quan thẩm tra chưa làm rõ được khái niệm thế nào là án phí và lệ phí tòa án nên UBTVQH đã không thông qua như dự kiến. Pháp lệnh Án phí và lệ phí Tòa án sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2009. Theo đó, khái niệm án phí được hiểu là khoản tiền để chi phí cho hoạt động tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính do người bị kết án, đương sự nộp cho Nhà nước để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng theo quyết định của Tòa án. Như vậy, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án chỉ quy định phần án phí do người bị kết án, đương sự phải nộp theo quyết định của Tòa án còn chi phí để tiến hành hoạt động tố tụng do ngân sách nhà nước bảo đảm đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác không quy định lại trong Pháp lệnh này mà vẫn tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó. Theo đa số Ủy viên UBTVQH, khái niệm này đã làm rõ được bản chất của án phí, đối tượng phải chịu án phí và phân định được giới hạn trách nhiệm phải chịu án phí của người bị kết án, đương sự trong các vụ án và chi phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động tố tụng để giải quyết vụ án.
Trong Phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH cũng đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự đã bổ sung 6 chủ thể có quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra là Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng vào Điều 19; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát Môi trường vào Điều 23 của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; Bổ sung quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra của Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng phòng, chống tội phạm ma túy; Cụm trưởng, Phó Cụm trưởng Cụm đặc nhiệm phòng, chống ma túy thuộc lực lượng cảnh sát biển vào Điều 22 Pháp lệnh này.
Pháp lệnh cũng quy định cụ thể thẩm quyền của Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục trinh sát biên phòng có quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các tội phạm theo quy định tại Chương XI và các Điều 119, 120, 153, 154, 172, 180, 181, 188, 230, 232, 236, 263, 264, 273, 274 và 275 của Bộ luật Hình sự; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng có quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các tội phạm về ma túy quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật Hình sự; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng đồn Biên phòng có quyền hạn điều tra đối với tất cả các tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 19 của Pháp lệnh.