Thưa các đồng chí,
Thực hiện chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết 36 –NQ/TW, ngày 22.12.2010), Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thi số 50-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết công bố ngày 22 tháng 5 năm 2011 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Để chuẩn bị cho việc triển khai công tác bầu cử trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị toàn quốc để quán triệt Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử và triển khai công tác bầu cử. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đã về dự Hội nghị.
Thưa các đồng chí,
Tiếp sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 cũng là một sự kiện trọng đại của năm 2011. Cuộc bầu cử được triển khai chuẩn bị và tiến hành ngay sau khi kết thúc thắng lợi Đại hội lần thứ XI của Đảng là rất có ý nghĩa và có nhiều thuận lợi cơ bản. Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển), thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; đề ra đường lối tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường; độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, vừa có thuận lợi, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra đồng thời trong cùng một ngày cũng đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao, chuẩn bị rất kỹ, tổ chức thật chặt chẽ, khoa học. Lãnh đạo tiến hành thành công cuộc bầu cử là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm 2011.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhân dân sử dụng quyền của mình tổ chức ra nhà nước bằng cơ chế dân chủ, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước, đó là Quốc hội và HĐND các cấp. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, đạt được những thành quả quan trọng, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Tình hình mới đặt ra cho Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 những yêu cầu mới và nhiệm vụ hết sức nặng nề. Chính vì vậy, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Để bảo đảm thắng lợi cuộc bầu cử, quán triệt tư tưởng của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này. Trên cơ sở nắm vững các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước. Phải coi đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn xã hội, qua đó phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền, nghĩa vụ chính trị, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hai là, tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch triển khai cuộc bầu cử. Các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức phụ trách bầu cử phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ba là, trên cơ sở quy định của pháp luật, lãnh đạo tốt công tác chuẩn bị nhân sự, gắn với kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ để lựa chọn và giới thiệu người ra ứng cử; tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Chú trọng mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; trên cơ sở tiêu chuẩn mà xác định cơ cấu thích hợp, bảo đảm tính đại diện cho tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc. Người được giới thiệu ứng cử phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, trình bày về chương trình hành động của mình nếu được trúng cử làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tạo điều kiện để những người ứng cử và cử tri đối thoại, giao lưu trực tiếp với nhau. Đây không chỉ là công việc của Mặt trận tổ quốc, của các tổ chức phụ trách bầu cử, mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và các đoàn thể. Điều quan trọng là phải bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; kiên quyết ngăn chặn sự lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân (nếu có); giữ gìn trật tự an ninh, tạo điều kiện để cử tri tiến hành bỏ phiếu thuận lợi; hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, những vi phạm về quyền dân chủ và trật tự, an toàn xã hội.
Thưa các đồng chí,
Thời gian từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đòi hỏi phải rất khẩn trương, chu đáo; đồng thời vẫn phải bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Vì vậy, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, lĩnh hội đầy đủ tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử và đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo của các cơ quan Trung ương. Kết quả của Hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc bầu cử.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Nhân dịp đầu xuân mới Tân Mão, xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi mới. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!