Thảo luận về Luật Phòng, chống mua bán người

18/02/2011

Nội dung được nhiều đại biểu tham gia thảo luận, cho ý kiến là về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước…

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, sáng 17/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống mua bán người và Dự án Luật Kiểm toán độc lập. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Nội dung được nhiều đại biểu tham gia thảo luận, cho ý kiến là về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán người ở trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần phải đơn giản hóa thủ tục để nạn nhân có thể nhanh chóng được hỗ trợ. Đối với trẻ em không nơi nương tựa được làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, còn không thể tiếp nhận hết các đối tượng có nguyện vọng ở lại.

Bà Trương Thị Mai nêu ý kiến: “Tất cả nạn nhân phải quay trở về, trừ trường hợp trẻ em không nơi nương tựa thì cơ sở xã hội phải lo cho các cháu đến 18 tuổi, còn thành niên, có sức khỏe phải về địa phương hỗ trợ họ làm ăn để có cuộc sống bình thường…”.

Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân được quy định tại điều 31 của dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân là cần thiết nhưng phải chặt chẽ và phù hợp với thực tế. Vì hiện nay, pháp luật đang có nhiều quy định về vấn đề này như: Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự và Dự thảo Luật tố cáo…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị: “Tôi đề nghị cần rà soát lại trong toàn bộ quy định này để tránh chồng chéo. Cần xem lại Luật Phòng chống mua bán người cũng xác định mục đích bảo vệ, giới hạn phạm vi bảo vệ, từ đó mới có biện pháp thích hợp được. Nếu cứ quy định chung chung như thế này tôi sợ rằng không giải quyết được vấn đề”.

Cũng tại phiên làm việc sáng 17/2, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán độc lập. Đó là: Việc cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và họat động của doanh nghiệp hành nghề kiểm toán, chi nhánh, văn phòng, đại diện của doanh nghiệp hành nghề kiểm tóan; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán và Kiểm toán viên hành nghề.

Về Kiểm toán viên hành nghề, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải biết tiếng Việt và hiểu biết về luật pháp Việt Nam. Đặc biệt, kiểm toán viên hành nghề phải hiểu báo cáo tài chính bằng tiếng Việt và chịu trách nhiệm đối với chữ ký của mình trong báo cáo kiểm toán tài chính.

Nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, không yêu cầu bắt buộc kiểm tóan hành nghề phải là hội viên của Hội nghề nghiệp vì cho rằng, đây là tổ chức thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Mặt khác, các kiểm toán viên chỉ hành nghề trong các doanh nghiệp kiểm toán và không được phép hành nghề cá nhân./.

 

 

Lại Hoa- Minh Châm

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác