Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công

19/02/2011

Sự điều chỉnh tỉ giá, lên giá của đồng USD… đã có tác động bất lợi cho sản xuất, đời sống, ảnh hưởng tới thu, chi ngân sách nhà nước.

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 18/2, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo bổ sung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011.

Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 nêu rõ: Trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2010, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế cả năm tăng 6,78%, cao hơn số báo cáo ra Quốc hội (6,7%) và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỉ USD, gấp hơn 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt 559.170 tỉ đồng, vượt 21,25 so với dự toán năm và tăng 31.070 tỉ đồng so với báo cáo Quốc hội. Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,45%, tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ, môi trường tiếp tục có bước phát triển tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Con số tăng trưởng kinh tế mới chỉ là đánh giá về lượng, chưa có đánh giá chiều sâu. Ông Thuận nhận định: Tăng trưởng kinh tế cũng như trong tăng thu chi ngân sách ngoài yếu tố tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh thì phần lớn lại nằm ở tăng giá cả các mặt hàng, do đồng tiền mất giá. Vì vậy, đề nghị cần đánh giá nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Xung quanh giải pháp của Chính phủ để thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, ông Thuận đề nghị cần đánh giá tác động của những giải pháp này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Thuận nêu ý kiến: "Tình trạng đầu tư dàn trải, nếu thiết chặt lại thì bao nhiêu công trình phải dừng lại. Nhưng hạn chế chi tiêu công thì đất nước lại ngổn ngang những công trình dang dở".

Trong các chỉ tiêu không đạt, thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 tăng 11,75% so với tháng 12 năm 2009, bình quân cả năm tăng 9,19% cao hơn mức dự báo 8%. Uỷ ban Kinh tế nhận định: Diễn biến phức tạp của chỉ số giá tiêu dùng có nguyên nhân khách quan là do giá hàng hoá trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao, tác động của việc tăng lương cơ bản, điều chỉnh giá một số nhóm hàng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém của nội tại nền kinh tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị: "Để kinh tế vĩ mô ổn định và có tính bền vững lâu dài, song song với các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2010, cần ưu tiên xây dựng lộ trình và khẩn trương thực hiện ngay từ năm 2011 quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015”.

Về thực hiện thu chi ngân sách năm 2011, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận định: Diễn biến của lạm phát 2 tháng đầu năm dự kiến đạt trên 3,4% và có xu thế đạt 4% trong quý 1, cùng với sự điều chỉnh tỉ giá của ngân hàng vừa qua, sự lên giá của đồng USD… đã có tác động bất lợi cho sản xuất, đời sống, ảnh hưởng tới thu, chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần điều hành chủ động, phản ứng linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô ngay từ những tháng đầu năm, tránh tình trạng lạm phát hai con số như năm 2010.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp./.

 

Minh Châm

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác