Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội

19/02/2011

Ngày 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011.

Bảy nhóm giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong tháng đầu năm 2011, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ổn định giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao với giá trị hơn 73,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2010; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 56.860 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2010; giá cả thị trường được kiểm soát; lạm phát được kiềm chế; đời sống của người dân được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm và có sự phát triển tốt. Theo nhận định của Chính phủ, thời gian tới, tình hình thiên tai, hạn hán, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân; sức ép tăng giá hàng hóa từ thị trường thế giới, khả năng thanh khoản của nền kinh tế cải thiện còn chậm, tỷ giá, lãi suất ngân hàng có biến động sẽ gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát trong nước thời gian tới. Chính phủ đã đề ra bảy nhóm giải pháp lớn trong năm 2011, trong đó trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

 

Phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm an sinh xã hội

 

Thảo luận và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, đa số đại biểu đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra trong năm 2011. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị giải pháp phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội.

 

Ðại biểu Vương Ðình Huệ, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc Chính phủ thực hiện quyết liệt ổn định phát triển kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát trong thời gian qua không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân mà còn khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất. Ðại biểu Vương Ðình Huệ đề nghị, Chính phủ cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong điều chỉnh lãi suất ngân hàng, tạo sự ổn định thị trường tài chính. Liên quan đến các biện pháp ổn định thị trường tài chính, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, công tác quản lý thị trường ngoại tệ thời gian qua rất yếu kém, thiếu linh hoạt, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển chung. Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đô-la Mỹ so với đồng Việt Nam từ 18.932 đồng lên mức 20.693 đồng/đô-la Mỹ. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động và tránh chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá tại thị trường tự do. Nhưng thực tế cho thấy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, giá đô-la Mỹ tại thị trường tự do cũng lên theo, hiện lên trên mức 22.000 đồng/đô-la Mỹ.

 

Lo ngại mức lạm phát vẫn ở mức cao, các đại biểu K'Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cùng bày tỏ quan điểm, lạm phát trong tháng 1 và 2 - 2011 vẫn ở mức cao (riêng tháng 1 tăng 1,74%). Trong khi dự kiến giá điện, than, xăng, dầu có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, khiến lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng. Nếu Chính phủ không có những biện pháp hữu hiệu trong điều hành kinh tế sẽ khó kiểm soát thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới có những dấu hiệu tiếp tục bất ổn.

 

Ðánh giá đúng chất lượng tăng trưởng

 

Cùng với các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu bảo đảm an sinh xã hội. Ðại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cảnh báo, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng cần quan tâm, xem xét chất lượng của các con số tăng trưởng đó. Ðại biểu Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi, việc tăng trưởng kinh tế thời gian qua có phải phụ thuộc phần lớn vào việc tăng giá, lạm phát? Nếu tăng trưởng do tăng giá thì đời sống của người dân vẫn không được cải thiện, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực bởi sự tăng trưởng đó, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Liên quan vấn đề nói trên, đại biểu Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, quản lý thị trường tài chính tiền tệ có sự liên quan rất chặt chẽ đến phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Do vậy, Chính phủ cần có biện pháp căn cơ để phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm ổn định xã hội. Ðiều này không chỉ bảo đảm các chỉ tiêu về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn trong bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

PV

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác