PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT, PHÓ TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: GIÁM SÁT LẠI ĐỂ CÙNG TÌM RA CÁC GIẢI PHÁP PHÙ HỢP, HIỆU QUẢ ĐỂ THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

06/11/2023

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, qua chất vấn nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kỳ vọng của cử tri đối với các bộ trưởng, trưởng ngành

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/11: KHAI MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

KHAI MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: QUỐC HỘI, CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN CÓ QUYỀN ĐƯỢC BIẾT TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN NHỮNG GÌ ĐÃ HỨA, NHỮNG NHIỆM VỤ QUỐC HỘI ĐÃ GIAO

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn. Phiên chất vấn tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cách thức sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn theo 4 nhóm lĩnh vực: kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa, xã hội; tư pháp, nội chính, kiểm toán Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang trả lời phỏng vấn bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Theo chương trình chất vấn tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Theo đó, liên quan đến 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và khóa XV và 21 lĩnh vực. Cho thấy khối lượng công việc rất lớn. Xin ông cho biết thêm về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn tại kỳ họp lần này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn là khâu rất quan trọng để các cơ quan, các bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm trả lời chuẩn bị các báo cáo. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn bao gồm: 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 01 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 02 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 03 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV. Trên cơ sở các nội dung yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội thì các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ báo cáo các nội dung. Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã có báo gửi đến Quốc hội với hơn 1000 trang tài liệu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra, nêu quan điểm cụ thể những vấn đề đặt ra, những vấn đề đồng ý hay không đồng ý. Cử tri và đại biểu Quốc hội kỳ vọng rất nhiều đối với các nội dung chất vấn liên quan tới 21 lĩnh vực. Để phục vụ cho hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và gửi đến các đại biểu Quốc hội các tài liệu làm cơ sở để đại biểu xem xét chất vấn, báo cáo một số vấn đề cần quan tâm thực hiện trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn. Các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ rõ những những nội dung, nhiệm vụ cụ thể đã làm được và chưa làm được, trong đó sẽ lưu ý đối với những vấn đề đã được đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều lần hoặc Quốc hội đã tiến hành giám sát nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục có những câu hỏi đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành làm rõ trong phiên chất vấn.

Phóng viên: Tại kỳ họp này, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Xin ông cho biết rõ hơn lí do Quốc hội lựa chọn cách thức chất vấn này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Đây không phải lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn lại những nội dung đã chất vấn, đã giám sát. Chất vấn là một trong những hình thức giám sát của Quốc hội, trong đó có tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, nghị quyết giám sát của Quốc hội của các bộ trưởng, trưởng ngành thời gian qua. Một trong những yêu cầu được đưa ra Trong các nghị quyết của Quốc hội đều đưa ra các yêu cầu cụ thể về những việc cần phải làm, ai phải làm, ngành nào làm và thời gian cụ thể. Trên cơ sở đó, Quốc hội tiến hành giám sát trở lại.

Thực tế, không phải nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng qua chất vấn nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kỳ vọng của cử tri đối với các bộ trưởng, trưởng ngành.

Phóng viên: Phạm vi nội dung chất vấn tại kỳ họp này là rất rộng, liên quan đến 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và khóa XV trong 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm. Theo ông, điều này có phải là thách thức đối với Bộ trưởng, Trưởng ngành trong quá trình trả lời chất vấn?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Đúng là phạm vi nội dung chất vấn rộng, nhưng tất cả các nội dung đều đã được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về trách nhiệm của từng Bộ trưởng, Trưởng ngành và thời gian thực hiện, giải pháp thực hiện. Phạm vi có rộng nhưng đây là giám sát lại nên công việc, nhiệm vụ đã rất cụ thể, rõ ràng. Việc gì làm được, chưa làm được thì báo cáo. Qua báo cáo và chất vấn thì Quốc hội sẽ có đánh giá việc thực hiện các nghị quyết.

Phóng viên: Báo cáo của Chính phủ, các ngành và báo cáo thẩm tra tổng hợp đều nhận định bên cạnh kết quả đạt được, còn những lời hứa chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong. Vậy theo ông cần phân tích như thế nào ở phiên chất vấn lần này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Tôi hy vọng rằng với các vị trí công tác khác nhau của các đại biểu Quốc hội cùng với các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ nêu rõ và tranh luận đối với những việc chưa làm được; đồng thời, qua trả lời sẽ tổng hợp được các giải pháp để Quốc hội ban hành nghị quyết nêu rõ giải pháp, trách nhiệm thực hiện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng cử tri, yêu cầu chung của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Yến