QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ ĐIỀU KIỆN, QUY MÔ XÂY DỰNG NHÀ LƯU TRÚ CÔNG NHÂN

07/11/2023

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là việc làm rất cần thiết, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống, điều kiện của công nhân, người lao động thì cần quy định chặt chẽ các điều kiện về quy mô xây dựng nhà lưu trú, khoảng cách đảm bảo an toàn môi trường.

PHÁT TRIỂN NHÀ LƯU TRÚ CÔNG NHÂN: CHUYÊN GIA ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH KHU CÔNG NGHIỆP - ĐÔ THỊ - DỊCH VỤ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương 

Quy định chặt chẽ điều kiện xây dựng nhà lưu trú công nhân

Vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6. Trong quá trình thảo luận và nghiên cứu, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp.

Quam tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng bày tỏ tán thành việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5. Theo đại biểu, quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là việc làm rất cần thiết, đây cũng là nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Qua đó, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động; đặc biệt sẽ góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở hay công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống, điều kiện của công nhân, người lao động, đại biểu cho rằng cần quy định chặt chẽ các điều kiện về quy mô xây dựng nhà lưu trú, khoảng cách đảm bảo an toàn môi trường.

Dẫn quy định tại khoản 3 Điều 93 dự thảo Luật về việc xét duyệt đối tượng thuê, mua nhà lưu trú công nhân, đại biểu cho rằng, việc thuê, cho thuê nhà lưu trú cho công nhân là quan hệ dân sự, nên quy định trao quyền xét duyệt cho thuê cho chủ đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là một chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; đồng thời, chủ đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi riêng. Vì vậy, để đảm bảo nhà lưu trú cho công nhân được sử dụng đúng mục đích, đúng người, đúng đối tượng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định sau khi xét duyệt và cho thuê phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo định kỳ 1 lần/1 tháng, nhằm tăng cường công tác quản lý của Nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc cho thuê, nhà lưu trú cho công nhân.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 95 quy định dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu "có các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú, bao gồm nhà trẻ, y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi thể dục, thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng". Đại biểu nhận thấy, quy định này rất cần thiết với mục đích đảm bảo các điều kiện sống của công nhân và người lao động. Tuy nhiên, cần có tiêu chí phân loại việc yêu cầu xây dựng, bố trí các khu chức năng và nhu cầu phục vụ lưu trú dựa trên quy mô của nhà lưu trú.

Cũng tán thành với phương án này, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quãng Ngãi thống nhất việc giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Xác định rõ đối tượng thuê nhà lưu trú công nhân chỉ bao gồm cá nhân công nhân đang làm việc tại chính khu công nghiệp đó để phù hợp với tính chất lưu trú của công trình xây dựng, không bao gồm đối tượng là chuyên gia, người lao động khác để tập trung chính sách cho đối tượng thụ hưởng là người có thu nhập thấp như Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp

Ở khía cạnh khác, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tán thành việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp nhằm thúc đẩy việc thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cũng như Nghị quyết số 6 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà lưu trú cho công nhân ngoài khu công nghiệp, phải làm rõ các doanh nghiệp chỉ được phát triển nhà lưu trú công nhân sau khi đã có quyền sử dụng đất hợp pháp, đồng thời rà soát chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án để bảo đảm phù hợp.

Đồng quan điểm, đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng cần quy định rõ doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để bố trí cho công nhân của mình và phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh quản lý, kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn, diện tích nhà ở công nhân. Dẫn chứng ví dụ trên thực tế, đại biểu cho biết, thời gian qua, tại các doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã có rất nhiều người dân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê; các nhà thuê trọ này không đảm bảo về diện tích cũng như không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến điều kiện cho công nhân không được đảm bảo.

Trong thực tế, khắc phục tồn tại của Luật hiện hành chưa quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được mua, thuê, thuê mua nhà ở lưu trú công nhân nhưng nhu cầu thực tế lại rất lớn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê cho công nhân của họ thuê lại để ở. Nếu được xây dựng nhà ở ngoài khu công nghiệp thì các doanh nghiệp sẽ có xe chuyên dụng chuyên chở công nhân đến doanh nghiệp, từ đó cũng tránh ùn tắc giao thông.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị việc xây dựng nhà lưu trú công nhân nên kết hợp cả trong và ngoài khu công nghiệp; tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương, từng dự án và giao địa phương quyết định vấn đề này. Theo đại biểu, Luật chỉ nên quy định các vấn đề có tính nguyên tắc, và nên quy định cả hai hình thức và nhà ở xã hội; nhà ở xã hội chỉ ở khu vực ngoài khu công nghiệp

Trao đổi bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng cho rằng có thể phát triển nhà lưu trú công nhân ở cả trong và ngoài khu công nghiệp. Lý giải quan điểm trên, đại biểu nêu rõ, mục đích chính của việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là để tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân để công nhân an tâm làm việc, đảm bảo điều kiện cho công nhân có một cuộc sống và nơi ở phù hợp với thu nhập, qua đó giữ chân người lao động ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho người lao động có thu nhập thấp.

Thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, việc bố trí trong khu công nghiệp hoặc ngoài khu công nghiệp nhưng gắn bó chặt chẽ theo hướng là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp thì đều đáp ứng được mục tiêu này. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển nhà ở cho công nhân. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị xác định ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp. Nghị quyết cũng không xác định cụ thể vị trí xây dựng ở trong hay ngoài khu công nghiệp./.

Minh Thành