NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG, XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI CHO DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

08/11/2023

Bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản trị nền hành chính công, xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII bày tỏ quan tâm đến vấn đề khai thác năng lực nội sinh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

TS.Trần Du Lịch cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản trị nền hành chính công. Theo đó, nền hành chính công bao gồm 3 bộ phận: thể chế hành chính; bộ máy vận hành và đội ngũ công chức, viên chức. Một nền hành chính chỉ vận hành hiệu quả khi sự cải cách đồng bộ 3 bộ phận cấu thành này.

Trong tình hình hiện nay, tăng cường năng lực nội sinh trước hết là nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nền hành chính công trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, bao gồm các nội dung, trong đó trước hết cần mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý kinh tế; nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII

Việc phân quyền cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản sau: Mở rộng phân quyền, nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể, Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra giám sát chế tài vi phạm công vụ. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện.

Việc phân quyền cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, nhưng không đồng nhất, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị.

Việc phân quyền cần được thực hiện theo hướng việc gì cấp dưới, địa phương làm tốt thì giao cho cấp đó thực hiện; cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, có điều kiện thực hiện và có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó. Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp giữa việc do Trung ương làm với việc của địa phương làm và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động).

Trong nền hành chính quốc gia, xóa dần cơ chế lồng ghép công vụ: công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Không có công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng xây dựng mô hình chính quyền địa phương; cụ thể hóa cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm soát lạm quyền; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương.

Bên cạnh đó, TS.Trần Du Lịch cũng cho rằng, cần cải cách nền tài chính công:  Chuyển dần cơ chế “ngân sách lồng ghép” gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay sang cơ chế tách biệt” ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương.”; phát huy cơ chế tự chủ ngân sách của địa phương;  Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Phải khắc phục tình trạng “xin- cho” trong quy trình lập ngân sách.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.

TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần nâng cao quản trị công dựa trên quan điểm: Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bởi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ trung ương đến địa phương như hiện nay.Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính.Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực.

Thêm vào đó, TS.Trần Du Lịch cho rằng, cần xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển. Về nguyên tắc Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Điển hình nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường…

Ngoài ra, cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tính minh bạch, công minh trong chính sách và trong việc thực thi pháp luật. Tất cả các quy định của nhà nước về một vấn đề không thể hiểu khác nhau. Phải quy trách nhiệm đối với những cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung mập mờ, có thể hiểu khác nhau khi áp dụng. Cần xây dựng lộ trình từng bước tách biệt cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách từ trung ương đến địa phương.

Hồ Hương