NGHIÊN CỨU KỸ NĂNG LỰC ĐỐI TÁC TƯ NHÂN TRONG CÁC DỰ ÁN PPP PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

09/11/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu kỹ vấn đề năng lực đối tác tư nhân trong các dự án PPP phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Quan tâm về nội dung về Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhà nghiên cứu Phạm Anh Tuấn, Trường Đại học Giao thông vận tải phân tích, năng lực của các đối tác tư nhân tham gia vào PPP trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và năng lực quan hệ.

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 6

Năng lực tài chính được thể hiện ở các chỉ số vốn tự có, vốn huy động và khả năng quản lý, sử dụng tài chính. Thông thường một dự án PPP trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, ví dụ như dự án ppp đường hầm bộ qua Đèo cả do Liên doanh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty cổ phần Á Châu với tổng mức đầu tư dự kiến là 10.555 tỷ đồng, nên không có nhà đầu tư tư nhân nào sử dụng 100% vốn tự có cho dự án mà phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán; huy động vốn tín dụng trong và ngoài nước; hay phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Bên cạnh khả năng vốn tự có và huy động vốn thì việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án cũng có ý nghĩa lớn đối với hiệu quả của dự án.

Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ có thời gian triển khai lâu, với rất nhiều khoản mục chi phí, trong đó các khoản chi phí lại có sự biến đổi lớn, do ảnh hưởng của lạm phát nên việc quản lý vốn đầu tư là không đơn giản. Trong hầu hết các dự án PPP trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, tổng mức đầu tư có sự biến đổi rất lớn, có thể kể đến như là dự án cầu Phú Mỹ, tổng mức đầu tư thực tế tăng 88% so với dự toán.

Năng lực chuyên môn được thể hiện ở năng lực chuyên môn của bản thân nhà đầu tư tư nhân và/hoặc năng lực của nhà đầu tư tư nhân trong lựa chọn các nhà tư vấn và các nhà thầu có đủ năng lực chuyên môn và kiểm soát được năng lực chuyên môn của các nhà tư vấn và các nhà thầu. Trong thời gian qua có một số công trình hạ tầng giao thông đường bộ lớn do các doanh nghiệp tư nhân trong nước thi công như dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả với tính chất khoan thi công rất phức tạp. Xuất phát từ thực tế này thì có thế thấy năng lực chuyên môn của một số nhà đầu tư tư nhân, nhà thầu tại Việt Nam không thua kém so với trình độ của khu vực và thế giới. Tuy nhiên số lượng các nhà đầu tư tư nhân có được các công nghệ hàng đầu thế giới không phải là phố biển. Đa số các nhà đầu tư tư nhân, nhà thầu xây dựng vẫn sử dụng các công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra việc thiếu nguồn vốn đầu tư cũng lý giải cho việc nhiều nhà đầu tư tư nhân hiện vẫn sử dụng các công nghệ lạc hậu trong quá trình triển khai dự án.

Năng lực chuyên môn của nhà đầu tư tư nhân còn hạn chế ở khâu lựa chọn nguồn lực tối ưu. Nhiều nhà đầu tư tư nhân với quan niệm khai thác triệt để nguồn lực sẵn có, thường có khuynh hướng tự sử dụng nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc của mình mà không tính đến năng suất lao động và hiệu quả. Nguyên nhân chính của việc nhà đầu tư tư nhân hay sử dụng nguồn lực của mình để triển khai dự án PPP trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ được lý giải là do nhiều nhà đầu tư tư nhân xuất phát từ nhà thầu thi công công trình hạ tầng giao thông đường bộ như Công ty cổ phần Tasco, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu Khí, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Invesco... Bên cạnh nguyên nhân chính này, còn có những nguyên nhân khác phải kể đến như năng lực đấu thầu, đặc biệt là năng lực pháp lý trong đấu thầu, giải quyết tranh chấp của các nhà đầu tư tư nhân còn tồn tại những bất cập.

Năng lực quản lý thể hiện ờ năng lực quản lý tài chính, năng lực quản lý thời gian, năng lực quản lý chất lượng, năng lực quản lý nhân lực và năng lực quản lý rủi ro. Thực tế cho thấy khả năng quản lý tài chính các dự án PPP giao thông đường bộ của đối tác tư nhân còn hạn chế, nguyên nhân là do thiếu cán bộ làm công tác quản lý tài chính có đủ trình độ từ khâu lập kế hoạch tài chính, quản lý chi phí, quản lý dòng tiền; thời gian triển khai dự án dài, chi phí đầu vào biến đổi nhanh nên khó lập kế hoạch tài chính dài hạn; và giá trị đầu tư lớn, danh mục chi phí đa dạng, nhiều hạng mục không có chứng từ gây khó khăn cho quản lý tài chính, dẫn đến thất thoát.

Việc quản lý thời gian thường không đảm bảo tiến độ do có nhiều bộ phận cùng tham gia một dự án dẫn đến có sự sai lệch, chồng chéo giữa các bộ phận làm cho khó thực thi kế hoạch của từng bộ phận; việc triển khai dự án chịu tác động nhiều từ ảnh hưởng khách quan từ phía Nhà nước, người dân, các đối tác (cung cấp nguyên vật liệu, cho vay vốn...) và điều kiện thời tiết như mưa, lũ, bão, thiên tai...

Cuối cùng là khó khăn trong quản lý chất lượng và hạn chế trong điều hành tổng thể dự án, điều này là do hạng mục đầu vào của dự án đa dạng, được cung cấp bởi nhiều đối tác gây khó khăn trong khâu quản lý chất lượng; số lượng lao động nhiều nên khó kiểm soát ý thức của tất cả lao động; và đa số nhà quản lý xuất phát từ nhà quản lý thi công, thiếu cán bộ quản lý điều hành dự án được đào tạo bài bản.

Năng lực quan hệ thể hiện ở khả năng tiếp cận, thiết lập, duy trì và phát triển mối quan hệ với các bên có liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các nhà đầu tư khác, các nhà tài trợ vốn. Để có được năng lực tài chính nhằm thực hiện thành công dự án xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, các nhà đầu tư tư nhân một mặt phải có tiềm lực về tài chính nhưng đồng thời cũng phải có khả năng huy động các nguồn vốn từ các tổ chức bên ngoài cùng tham gia trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các ngân hàng và các nhà tài trợ cũng sẽ giúp các nhà đầu tư tư nhân cải thiện được năng lực tài chính. Ngoài ra một trở ngại nữa mà các nhà đầu tư tư nhân phải đối mặt là thủ tục hành chính còn quá rườm rà, nếu doanh nghiệp không có mối quan hệ tốt với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia vào lĩnh vực này.

Đưa ra giải pháp nâng cao năng lực đối tác tư nhân trong các dự án PPP phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, Giảng viên Phạm Anh Tuấn và một số chuyên gia cho rằng:

Thứ nhất, nâng cao năng lực tài chính của đối tác tư nhân. Khu vực tư nhân đầu tư thực hiện dự án PPP bằng vốn chủ sở hữu và nợ. Vì vậy, giải pháp nâng cao năng lực tài chính gắn với tăng vốn chủ sở hữu và huy động có hiệu quả nguồn vốn vay. Tăng vốn chủ sở hữu thông qua huy động vốn trên thị trường chứng khoán bằng phát hành cổ phiếu. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình thông qua các đại lý lớn có uy tín phát hành ra thị trường trong và ngoài nước. Nguồn vốn này có ưu điểm là thời gian đáo hạn dài hơn và chi phí lãi vay thấp hơn. Tăng cường huy động vốn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực tư nhân trong quá trình huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn của đối tác tư nhân. Các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn được biết đến với sự phức tạp trong phương thức xây dựng. Đủ sức mạnh chuyên môn là rất quan trọng để đối tác tư nhân tham gia và thực hiện thành công các dự án PPP. Sức mạnh kỹ thuật thể hiện ở nguồn nhân lực và máy móc thiết bị.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyển dụng cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với ngành nghề sản xuất và đội ngũ công nhân lành nghề, kinh nghiệm lâu năm. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thảo luận, trao đổi những kiến thức về hình thức đối tác công tư trong thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cần được thực hiện để tăng cường chuyên môn cho đội ngũ nhân lực. Các hoạt động khuyến khích và truyền thông cần được thúc đẩy để khơi dậy sự nhiệt tình của đội ngũ nhân lực.

Thứ tư, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị. Lựa chọn máy móc thiết bị phù hợp với công nghệ tiên tiến, tính hợp lý kinh tể, ứng dụng sản xuất, hiệu suất đáng tin cậy và an toàn, với khả năng ứng dụng và độ tin cậy cho một dự án cụ thể. Máy móc và thiết bị xây dựng nên được kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo thiết kế nhằm duy trì tối đa công suất của máy. Bên cạnh đó, đảm bảo sự phù hợp giữa máy móc thiết bị với công nhân vận hành máy.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý của đối tác tư nhân. Tài chính, tiến độ, chất lượng, nhân lực, rủi ro là những kỹ năng quản lý trong dự án PPP mà đối tác tư nhân cần phải chuẩn bị tốt để đảm bảo dự án đạt hiệu quả tài chính cao, đúng tiến độ đề ra và chất lượng theo yêu cầu.

Thứ sáu, nâng cao năng lực quan hệ của đối tác tư nhân. Đối tác tư nhân phải tham gia vào mối quan hệ với rất nhiều đối tượng khi thực hiện một dự án ppp gồm khu vực Nhà nước, bên cho vay, người sử dụng. Để có được sự hỗ trợ từ các đối tượng này, khu vực tư nhân phải duy trì mối quan hệ tương tác tích cực thông qua: Tham vấn với cơ quan Nhà nước thường xuyên để nắm bắt rõ ràng chính sách của Nhà nước đối với các dự án PPP. Tham gia các hội nghị, hội thảo liên quan đến đầu tư theo hình thức PPP có sự tham gia của Nhà nước, các ngân hàng để tăng cường sự kết nối. 

Hồ Hương

Các bài viết khác