VAI TRÒ CỦA LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI BẢO ĐẢM MỘT SỐ QUYỀN CON NGƯỜI

10/11/2023

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đánh giá vai trò của Luật này đối với bảo đảm một số quyền con người và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, an ninh con người cần được triển khai trong 7 lĩnh vực, bao gồm: an ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Mỗi lĩnh vực này có vai trò nhất định trong tổng thể bảo đảm an ninh con người. Trong các lĩnh vực đó, an toàn giao thông đường bộ có ảnh hưởng trực tiếp và có vai trò quan trọng đối với an ninh cá nhân, an ninh sức khỏe và an ninh môi trường. Mỗi lĩnh vực an ninh con người này có liên quan mật thiết với các quyền con người tương ứng, gồm quyền tự do đi lại; quyền về sức khỏe và quyền về môi trường.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

 Phân tích vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) đối với bảo đảm quyền tự do đi lại và an ninh cá nhân, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nêu rõ, Điều 13 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 tuyên bố rằng mọi người đều có quyền tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Pháp điển hóa nội dung này, Điều 12 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại... trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó”. Ở nước ta, Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: ‘‘Công dân có quyền tự do đi lại... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Như vậy, quyền tự do đi lại cần được bảo đảm bằng các quy định cụ thể của pháp luật, trong đó có Luật TTATGTĐB. Ở góc độ an ninh con người, an ninh cá nhân là bảo vệ cá nhân khỏi các hành vi bạo lực ở mọi hình thức, những yếu tố nhà nước và ngoài nhà nước, bao gồm bạo lực từ những cá nhân khác, ví dụ như những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm... Vì vậy, việc xây dựng Luật TTATGTĐB với những nội dung bảo vệ cá nhân khỏi những sự đe dọa, những nguy cơ về an ninh cá nhân có ý nghĩa tối quan trọng. Những nội dung đó đặc biệt liên quan đến những vấn đề sau đây: quy tắc giao thông đường bộ, tổ chức thực hiện quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ... Các quy tắc giao thông càng rõ ràng, chặt chẽ và đầy đủ thì càng giúp bảo đảm trật tự, an toàn trong giao thông, từ đó bảo đảm quyền tự do đi lại và an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông.

Luật này khi được ban hành sẽ là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi rất phổ biến, hành vi thường ngày của người dân, vì vậy nội dung cần cụ thể để tránh trường hợp phải tra cứu văn bản dưới luật. Từ góc độ quyền tự do đi lại và an ninh cá nhân, Luật TTATGTĐB cần chú trọng các nội dung về quy tắc giao thông, bao gồm: quy tắc chung và quy tắc riêng cho những trường hợp hoặc loại đường, đoạn đường đặc thù. Đây là vấn đề cốt lõi, cơ bản trong trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Đối với vấn đề này, Dự thảo Luật TTATGTĐB cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung cụ thể liên quan đến quy tắc giao thông sau đây. Về hệ thống biển báo giao thông đường bộ: Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 và luật một số nước rất chú trọng quy định về hệ thống biển báo giao thông đường bộ, bởi lẽ không có hệ thống biển báo giao thông thì không thể có trật tự, an toàn trong giao thông đường bộ. Thậm chí, Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 đưa quy định về hệ thống biển báo giao thông đường bộ được đưa lên trước những quy định khác. Một số nước tuy không đưa quy định hệ thống về biển báo giao thông lên đầu tiên, nhưng khi quy định về quy tắc giao thông cũng xuất phát và đặt nền tảng trên sự quy định các biển báo giao thông.

Hiện nay, khi tham gia giao thông, thấy hệ thống biển báo giao thông đường bộ đã khá thống nhất, tuy nhiên Dự thảo Luật TTATGTĐB chưa quy định về sự thống nhất của hệ thống biển báo giao thông như một quy tắc trong bảo đảm an toàn giao thông. Thiết nghĩ, chúng ta nên tham khảo luật nước ngoài để đưa nội dung này vào trong các quy tắc chung có tính chất bắt buộc trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Về quy tắc giao thông ở những đường (đoạn đường) đặc biệt: tham khảo quy định của một số nước cho thấy luật về giao thông đường bộ của họ có quy định riêng về quy tắc giao thông ở những đường (đoạn đường) đặc biệt, bao gồm đường cao tốc và đoạn đường đang được sửa chữa, bảo trì. Trong Dự thảo Luật TTATGTĐB đã nêu quy tắc riêng về giao thông trên đường cao tốc (Điều 24) nhưng chưa có khái niệm “đường cao tốc” (chỉ có khái niệm đường ưu tiên). Mặt khác, quy định này khá đơn giản nên cần tiếp tục nghiên cứu kỳ, tham khảo thêm luật nước ngoài để quy định đầy đủ, điều chỉnh tốt hoạt động giao thông trên đường cao tốc trước sự phát triển nhiều đường cao tốc trên cả nước, ví dụ: quy định về trạm dừng trên đường cao tốc. Ngoài ra, thời gian qua nhiều đoạn đường bộ trên cả nước được sửa chữa, bảo trì nhưng vẫn chưa có những quy tắc thống nhất về giao thông ở những đoạn đường đặc biệt này. Dự thảo Luật TTATGTĐB cần bổ sung thêm quy tắc giao thông trong trường hợp này.

Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hiện nay Hệ thống hỗ trợ tự động đối với người lái (Advanced Driver Assistance System - ADAS) đã được lắp đặt ở nhiều loại xe. Cơ quan quốc gia về điều hành an toàn giao thông cao tốc của Mỹ (National Highway Traffic Safety Administration) cho rằng: “Đến một ngày, hệ thống lái tự động, còn gọi là xe tự động, có thể thực hiện toàn bộ nhiệm vụ lái xe mà chúng ta không cần thực hiện hoặc không thể thực hiện”. Về vấn đề này, Điểm đ khoản 1 Điều 34 Dự thảo Luật TTATGTĐB đang quy định: “Phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng hoạt động trong phạm vi quy định và phải bảo đảm các điều kiện tại điểm a, b, c khoản này”. Cách viết này có thể hiểu rằng những loại xe này chỉ được lưu thông trên những “đường” hay “đoạn đường” được phép, có nghĩa là giới hạn phạm vi lưu thông, giới hạn quyền tự do đi lại khi sử dụng các phương tiện này. Trong quy định nêu trên, thuật ngữ “phương tiện giao thông công nghệ mới” được hiểu như thế nào, Dự thảo chưa nêu khái niệm.

Bên cạnh những vấn đề trên, Dự thảo Luật TTATGTĐB sử dụng đa dạng các thuật ngữ về phương tiện tham gia giao thông. Nói cách khác, giải thích thuật ngữ “phương tiện tham gia giao thông đường bộ” còn chưa thật sự rõ và chưa hàm chứa hết các thuật ngữ sử dụng trong Luật. Vì vậy, giải thích này cần xem xét thêm để dễ hiểu và đầy đủ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa cũng phân tích về vai trò của Luật này đối với quyền về môi trường, an ninh môi trường. Theo đó, chuyên gia phân tích, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lo ngại đối với an ninh con người. Công nghiệp hóa, đô thị hóa với tốc độ cao và sự gia tăng dân số đã dẫn đến những lo lắng cho toàn thế giới và mỗi quốc gia về an toàn của môi trường sống. Do vậy, trong các lĩnh vực của an ninh con người thì an ninh về môi trường được Chương trình phát triển của Liên hợp quốc rất quan tâm. Những mối nguy cơ, đe dọa đối với an ninh môi trường bao gồm: nguy cơ, đe dọa về nguồn nước; nguy cơ, đe dọa về sự suy thoái của đất và rừng; nguy cơ, đe dọa ô nhiễm về không khí; nguy cơ, đe dọa về thiên tai. Những nguy cơ, đe dọa về môi trường này càng ngày càng nghiêm trọng, lâu dài. Trong lĩnh vực quyền con người, quyền về môi trường đã được chính thức ghi nhận trong một số văn kiện của khu vực như: Nghị định thư San Salvador bổ sung Hiến chương châu Mỹ về quyền con người. Với sự ghi nhận này, quyền về môi trường được coi là một quyền con người cụ thể.

Mặt khác, từ góc độ ICCPR và ICESCR thì quyền về môi trường có thể coi là một quyền hàm chứa, nằm trong quyền về sức khỏe, quyền được hưởng và duy trì một mức sống thích đáng. Quyền về môi trường có thể hiểu là quyền của mọi người sống trong môi trường trong lành, có lợi cho sức khỏe. Việc gia tăng các phương tiện có sử dụng động cơ trong giao thông đường bộ đang đặt ra những nguy cơ, đe dọa trực tiếp đối với an ninh môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ phát triển nhanh, số lượng lớn và đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng gây ô nhiễm không khí ở các đô thị. Các chất thải từ phương tiện giao thông gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người.

Vì vậy, nội dung của Luật TTATGTĐB cần có những quy định góp phần bảo vệ an ninh môi trường. Những quy định trực tiếp liên quan bao gồm: điều kiện về thông số bảo vệ môi trường của phương tiện tham gia giao thông; điều kiện để bảo đảm tránh ùn tắc giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông. Khi xảy ra ùn tắc giao thông các phương tiện tập trung tại một địa bàn và có thể vẫn duy trì hoạt động của động cơ nên lượng chất thải độc hại ra môi trường tập trung với một lượng lớn, nồng độ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tham gia giao thông và cộng đồng dân cư của địa bàn đó.

Bên cạnh đó, nội dung của Luật TTATGTĐB cần chú trọng quy định điều kiện đối với người và phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm an ninh sức khỏe và an ninh môi trường. Các phương tiện tham gia giao thông cần bảo đảm các thông số an toàn về kỹ thuật và an toàn về môi trường. Dự thảo đã quy định có tính hệ thống về vấn đề này, bao gồm: hành vi bị nghiêm cấm nếu vi phạm thông số bảo vệ môi trường; điều kiện của các phương tiện tham gia giao thông; các quy định về cấp giấy phép, rút giấy phép, đổi chủ sở hữu... Tuy nhiên, quy định đối với việc vận chuyển các chất có thể gây ra sự cố môi trường (như chất nổ, chất phóng xạ) chưa bao gồm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Vì vậy, kiến nghị bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 48 Dự thảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hồ Hương

Các bài viết khác