TIẾP THU, GIẢI TRÌNH HOÀN THIỆN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

10/11/2023

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

Triển khai đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong 02 năm 2022- 2023, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…,Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu theo hướng miễn, giãn, giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh với quy mô lớn. Theo đó, hệ thống chính sách thu không thể điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ huy động cao hơn vào NSNN, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế như yêu cầu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.Theo đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2023.

Trong thời gian tới, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế; quản lý chặt chẽ nguồn thu, thu đúng, thu đủ, chống thất thu, góp phần tăng thu cho NSNN, đảm bảo cân đối thu-chi NSNN. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN để phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất theo mục tiêu Nghị quyết số 23/2021/QH15 đã đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Đối với đề nghị sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/9/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương và điều chỉnh lại một số khoản thu từ thuế nhằm góp phần tăng nguồn lực cho NSTW, UBTVQH cho rằng, việc xem xét điều tiết lại nguồn thu từ đất thành khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) là một trong những nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, góp phần nâng cao vai trò chủ đạo của NSTW, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật tài chính về đất đai, có cơ chế điều tiết hợp lý nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, góp phần tăng thu NSTW. Nội dung này đã được thể hiện tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đúng như ý kiến các vị ĐBQH đã nêu, việc đánh giá hiệu quả chính sách đã ban hành tới nền kinh tế để làm căn cứ cho việc xem xét, triển khai chính sách hỗ trợ trong các năm tiếp theo là cần thiết. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo đánh giá và gửi các vị ĐBQH.

Các địa phương cần chủ động trong công tác dự báo nguồn lực

Theo Báo cáo số 42/BC-CP ngày 21/10/2023 của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2023 và dự toán NSNN năm 2024, dự kiến năm 2023, có 34 địa phương thu đạt và vượt dự toán, 29 địa phương thu không đạt dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, XSKT, cổ phần hóa, thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế thì có 43 địa phương dự kiến giảm thu.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, căn cứ quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn liên quan,UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí lệ phí theo quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách ở mức cao nhất. Chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu trên địa bàn, nhất là các khoản thu thuộc khu vực ngoài quốc doanh, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số,...

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương cần chủ động trong công tác dự báo nguồn lực đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách. Có giải pháp cụ thể, phù hợp đảm bảo các nhiệm vụ thu, chi đã được Quốc hội quyết định. Kết thúc năm ngân sách 2023, căn cứ kết quả thực hiện thu thực tế của địa phương, trường hợp hụt thu ngân sách địa phương do nguyên nhân khách quan, sau khi địa phương đã thực hiện các giải pháp điều chỉnh, cắt giảm nhiệm vụ chi và sử dụng các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương mà chưa đảm bảo được cân đối ngân sách địa phương, các địa phương báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý bù giảm thu cho các địa phương theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương theo quy định tại khoản 3, Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước.

Cần báo cáo cụ thể, rõ ràng về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Một số ý kiến đề nghị báo cáo cụ thể về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng đồng thời phải bảo đảm tính hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, trong những năm gần đây, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp, nhiều năm không đạt dự toán. Dự toán năm 2023 xây dựng ở mức khá thận trọng (3 nghìn tỷ đồng). Tuy thực hiện 8 tháng ước đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 246,7% dự toán, song ước thu cả năm bằng thu 8 tháng, chủ yếu do tăng thu nộp ngân sách tiền thoái vốn tại doanh nghiệp thuộc địa phương từ các năm trước. Điều này cho thấy, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2023 chưa được cải thiện, còn bất cập. Chính phủ dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 chỉ thu được khoảng 26 - 27 nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng lớn đến việc cân đối nguồn cho đầu tư phát triển theo Nghị quyết 23.

Theo đó, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể, rõ ràng về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi các vị ĐBQH. Đồng thời, sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp như quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

Minh Hùng

Các bài viết khác