CẦN TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ HỢP LÝ ĐỂ ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG SẢN XUẤT CỦA THẾ GIỚI

13/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, Chính phủ cần triển khai các chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sẽ là xu hướng sản xuất của thế giới trong khoảng ba thập kỷ nữa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho biết, thông thường, các quốc gia sẽ có xu hướng hình thành các năng lực sản xuất mới dựa vào các năng lực sản xuất hiện tại. Thực vậy, các quốc gia bắt đầu đa dạng hóa các hàng hóa của mình bằng việc chuyển từ sản xuất một sản phẩm hiện tại sang sản xuất sản phẩm mới nhưng trong cùng một lĩnh vực (hơn là tạo ra một bước nhảy vọt để sản xuất sản phẩm mới ở trong lĩnh vực khác đòi hỏi các công nghệ mới và chứa đựng nhiều rủi ro). Căn cứ vào mức độ phức tạp kinh tế và đặc điểm của hàng hóa mà Việt Nam hiện đang sản xuất và xuất khẩu, có thể xác định được danh mục các hàng hóa mà Việt Nam nên tập trung sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới. Quá trình này bao gồm các bước xác định các chiến lược công nghiệp hóa và từ đó hình thành nên danh mục các hàng hóa tương ứng theo một mức độ ưu tiên nhất định.

Định hướng chiến lược công nghiệp hóa của một quốc gia được xây dựng dựa trên việc đánh giá năng lực sản xuất quốc gia (mức độ phức tạp kinh tế) và triển vọng phức tạp kinh tế. Chỉ số triển vọng phức tạp kinh tế của một quốc gia xem xét có bao nhiêu hàng hóa phức tạp đang ở gần năng lực sản xuất hiện tại của quốc gia đó. Chỉ số triển vọng phức tạp kinh tế của một quốc gia cao hàm ý quốc gia này có nhiều cơ hội để sản xuất ra các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn, từ đó đa dạng hóa năng lực sản xuất. So với quá khứ, Việt Nam đã cải thiện tốt hơn năng lực sản xuất so với trước đây nên giờ là lúc cần tận dụng các năng lực sản xuất này vào sản xuất ra các hàng hóa mới hơn, phù hợp với xu thế sản xuất của thế giới trong khoảng ba thập kỷ tới. Việc chọn đúng ngành, có chính sách hỗ trợ đúng và thực hiện đúng thời điểm sẽ quyết định sự thành công của chiến lược công nghiệp hóa. Trong quá trình này, cần chú ý vào các quan điểm sau:

PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng

Thứ nhất, chiến lược phát triển công nghiệp cần chuyển dần từ sử dụng nhiều lao động và năng lượng với chi phí cạnh tranh sang sử dụng nhiều công nghệ hơn, tập trung hình thành các doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất cao hơn. Khi mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tận dụng lợi thế về chi phí không còn mang lại hiệu quả như trước, cần hình thành các doanh nghiệp nội địa có năng lực về công nghệ, tài chính, và trình độ quản trị để từng bước vươn ra thị trường quốc tế, đi đầu và chiếm lĩnh nhiều vị trí (làm nhiều khâu hơn) trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược phát triển công nghiệp cần giải quyết được mâu thuẫn giữa việc nâng cấp trình độ sản xuất công nghiệp và duy trì trạng thái toàn dụng lao động (một quốc gia có trên 50 triệu lao động).

Các doanh nghiệp nội địa sẽ hình thành hai nhóm, một nhóm doanh nghiệp dẫn đầu với trình độ sản xuất cao, thực hiện được các khâu có giá trị gia tăng cao trong một chuỗi giá trị hàng hóa và phải có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này sẽ sử dụng đầu vào là sản phẩm đầu ra của nhóm doanh nghiệp doanh nghiệp nội địa còn lại, là các doanh nghiệp chuyên cung ứng nguồn lực lao động dồi dào (thực hiện các khâu có giá trị gia tăng thấp hơn). Theo thời gian, các doanh nghiệp ở nhóm thứ hai này sẽ được tạo điều kiện phát triển theo hướng nâng cấp hiệu quả, chất lượng, đa dạng hóa và tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Hình thành được các doanh nghiệp để cạnh tranh được trong nước, vươn ra thị trường nước ngoài và tạo được việc làm ổn định cho người lao động sẽ giúp cho nền kinh tế chống chịu tốt hơn với các cú sốc.

Thứ hai, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, Chính phủ cần triển khai các chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sẽ là xu hướng sản xuất của thế giới trong khoảng ba thập kỷ nữa. Xây dựng hạ tầng giao thông có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển vận tải hàng hóa thông minh, sản xuất và phân phối năng lượng xanh và thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả là các ngành công nghiệp cần được ưu tiên trong xu thế phát triển bền vững.

Vai trò của Nhà nước được thực hiện thông qua phương thức đặt hàng các công trình (hoặc dịch vụ) quan trọng quốc gia cho doanh nghiệp nội địa (không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân). Ví dụ, dự án đầu tư của Nhà nước để nâng cấp hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy sử dụng năng lượng sạch, vật liệu thân thiện môi trường và các thiết bị tiết kiệm năng lượng có thể thúc đẩy được sự phát triển của một ngành công nghiệp cơ khí nhờ vào quy mô thị trường đủ lớn.

 Chính phủ cần triển khai các chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sẽ là xu hướng sản xuất của thế giới

Tương tự, công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai quá trình diễn ra song song và có tính đan xen, tác động qua lại rất chặt chẽ. Việt Nam đang đối mặt với vấn đề tốc độ đô thị hóa chậm hơn so với tốc độ công nghiệp hóa ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp. Một bộ phận người lao động và gia đình họ di chuyển tới các đô thị để làm việc nhưng lại khó tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, học tập, y tế và nhà ở… làm cản trở tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cần phát triển năng lực sản xuất công nghiệp để xử lý vấn đề đô thị hóa để tự tạo ra một thị trường đủ lớn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và trở thành tấm đệm cho các cú sốc từ thị trường bên ngoài.

Ví dụ, hình thành các doanh nghiệp có năng lực xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tự sản xuất năng lượng sạch để đáp ứng một phần nhu cầu, có khả năng phân loại rác thải và tái chế. Việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường cũng giúp ngăn ngừa những rủi ro trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển áp đặt các tiêu chí về phát triển bền vững lên hàng hóa nhập khẩu.

Thứ ba, để có thể nâng cấp được năng lực sản xuất, cần phải xác định thông qua các hàng hóa (hiện giờ Việt Nam chưa có lợi thế so sánh biểu lộ) nên tập trung vào sản xuất trong thời gian tới. Cần dựa trên các tiêu chí sau: là hàng hóa có mức độ phức tạp cao, tạo ra sự gia tăng về mức độ phức tạp kinh tế lẫn sự đa dạng hóa cho danh mục hàng hóa và nằm gần với năng lực sản xuất hiện tại. Cụ thể hóa ba tiêu chí thành các tiêu chí về khoảng cách, chỉ số phức tạp kinh tế và lợi ích cơ hội. Lợi ích cơ hội là chỉ tiêu đo lường lợi ích phức tạp kinh tế tăng thêm của một quốc gia từ việc sản xuất thêm một hàng hóa. Nói cách khác, lợi ích cơ hội lượng hóa mức độ đóng góp thêm về năng lực sản xuất khi một quốc gia sản xuất thêm một hàng hóa. Khoảng cách được xây dựng dựa trên khái niệm sự liên kết, là khoảng cách giữa một hàng hóa với các hàng hóa mà quốc gia đang sản xuất.

Ba tiêu chí đã nêu được vận dụng vào quy trình lựa chọn hàng hóa như sau: chọn các hàng hóa chưa có lợi thế so sánh biểu lộ có mức độ phức tạp lớn hơn mức độ phức tạp của nền kinh tế và có khoảng cách thấp hơn giá trị trung vị của hàng hóa hiện tại. Trong tổng số 1.155 hàng hóa trong danh mục hàng hóa theo hệ thống HS 92, Việt Nam có 168 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ nên sau khi loại các hàng hóa này, còn 987 hàng hóa.

Hai tiêu chí về mức độ phức tạp và khoảng cách lần lượt có giá trị bằng 0,18 và 0,82. Cụ thể, loại 480 hàng hóa không đáp ứng tiêu chí về mức độ phức tạp hàng hóa và loại 492 hàng hóa không đáp ứng tiêu chí về khoảng cách. Do có 120 hàng hóa bị loại là giao thoa của hai tiêu chí nên từ danh mục 987 hàng hóa sẽ rút gọn xuống còn 135 hàng hóa. Tổng giá trị xuất khẩu của 135 hàng hóa này năm 2020 là 18,248 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Để có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên trong danh mục 135 hàng hóa này, cần xây dựng trọng số cho từng tiêu chí trong ba tiêu chí kể trên để hình thành giá trị chiến lược (strategic value). Phương án thận trọng dựa vào các năng lực sản xuất hiện tại nhiều hơn, tỷ trọng cho mức độ phức tạp được hạ thấp trong khi phương án đột phá sẽ ưu tiên tạo ra các hàng hóa mới dựa trên năng lực sản xuất mới và hiện đại mà nền kinh tế còn ở khoảng cách xa. Việc lựa chọn rời xa các năng lực sản xuất hiện tại thường đòi hỏi phải có sự hỗ trợ rất lớn từ bên ngoài (gia tăng phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài) và gặp phải nhiều rủi ro hơn. Quá trình chuyển đổi nhanh trong năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như đã phân tích ở trên.

Do vậy, không nên lựa chọn phương án đột phá để hạn chế việc quá phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài. Phương án cân bằng là phương án hài hòa của hai phương án thận trọng và đột phá, theo đó nền kinh tế dựa nhiều vào năng lực sản xuất hiện tại và từng bước cải thiện mức độ phức tạp của các hàng hóa dựa trên năng lực sản xuất của mình.

Minh Hùng