ĐẤU GIÁ ĐẤT GẶP NHIỀU VƯỚNG MẮC LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY CHẬM GIẢI NGÂN

14/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dẫn tới chậm giải ngân cho dự án/vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng do thiếu quỹ đất thực hiện dự án.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dẫn tới chậm giải ngân cho dự án/vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng do thiếu quỹ đất thực hiện dự án.

Nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước và giữ vai trò quan trọng trong tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, pháp luật đã có khung pháp lý về đấu giá quyền sử dụng đất công, được quy định chủ yếu tại Luật Đấu giá tài sản 2016, Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân

Từ thực tiễn, một số bất cập của các quy định pháp luật hiện hành về đấu giá quyền sử dụng đất công có thể kể đến như: Luật chưa có quy định về dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường, đẩy giá chênh lệch quá cao so với giá khởi điểm và giá thị trường. Mặc dù Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định về dừng cuộc đấu giá nhưng đa số tập trung vào hành vi “dìm giá” hoặc “làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá”, còn với hành vi “đẩy giá” chỉ được đề cập chung chung trong “hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá” tại Điều 62.1 của Luật Đấu giá tài sản 2016. Đất đai là tài sản có giá trị lớn và có tác động lớn đến kinh tế – xã hội. Vì vậy, việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao so với giá trị thị trường rồi sau đó bỏ cọc, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án.

Năng lực thực hiện kết quả đấu giá của người tham gia đấu giá chưa được quy định cụ thể. Luật Đấu giá tài sản 2016 chỉ quy định chung rằng người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức phải có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp luật hiện hành cũng đã đặt ra các yêu cầu và điều kiện nhất định mà tổ chức, cá nhân phải đáp ứng khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Các điều kiện này là cần thiết để người tham gia đấu giá tài sản khi trúng đấu giá sẽ có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án theo kế hoạch được phê duyệt.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, và xác thực năng lực tài chính của các bên tham gia đấu giá, pháp luật phải có cơ chế xác minh, theo đó các tài liệu, hồ sơ hợp lệ về năng lực tài chính của bên tham gia đấu giá cần được quy định rõ ràng và được cung cấp theo yêu cầu của bên tổ chức đấu giá. Ngoài ra, người tham gia đấu giá cần phải có uy tín, kinh nghiệm, năng lực thực hiện dự án thông qua các dự án đã được thực hiện trên thực tế. Điều này có thể hạn chế được trường hợp người trúng đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dự án để hưởng lợi ích chênh lệch mà không nhằm mục đích phát triển, thực hiện dự án theo kế hoạch và nhu cầu đấu giá quyền sử dụng đất.

Quy định xử lý với người trúng đấu giá yêu cầu hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất chưa đầy đủ và nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật hiện nay, trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì Ủy ban nhân dân có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, và người trúng đấu giá mất khoản tiền đặt trước theo Luật Đấu giá tài sản 2016, theo đó khoản tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản. Tuy nhiên, các quy định nêu trên còn chưa phù hợp so với những hậu quả kinh tế, xã hội mà các doanh nghiệp, thị trường bất động sản phải gánh chịu. Mặc dù khoản tiền đặt trước của các bên trúng đấu giá này thuộc về ngân sách nhà nước, tuy nhiên, những hệ lụy để lại là vô cùng lớn.

Mặt khác, liên quan đến lĩnh vực đất đai, công tác đền bù để giải phóng mặt bằng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc không có sẵn quỹ đất tại địa phương để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng tới tiến độ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và làm chậm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất sẽ được Nhà nước bồi thường khi đáp ứng được các điều kiện được quy định tại điều 75 của luật này. Theo đó, nguyên tắc bồi thường đặt pháp luật quy định là bồi thường bằng đất có cùng mục đích với loại đất bị thu hồi hoặc nếu không có quỹ đất cùng mục đích để giao cho người sử dụng đất thì Nhà nước sẽ đền bù bằng tiền theo giá đất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm có quyết định thu hồi.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức giá đất theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố ban hành tại thời điểm thu hồi đất thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thực tế mà các bên giao dịch với nhau trên thị trường, dẫn đến việc người bị thu hồi đất khó khôi phục lại được tình trạng về tài sản và tình hình sản xuất kinh doanh sau khi bị thu hồi đất. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Dự thảo: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường”. Như vậy về mặt nguyên tắc khi Nhà nước thu hồi đất thì công trình xây dựng trên đất thuộc sở hữu hợp pháp gắn liền với đất thì sẽ được bồi thường. Việc xác định mức bồi thường được quy định tại Điều 107 Dự thảo (Điều 89 LĐĐ 2013).

Qua thực tế đơn giá nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ thường thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực tế mà người bị thu hồi đất bỏ ra để xây dựng nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc mới có diện tích, mục đích, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế bị lạm phát. Trong khi quyết định về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn các tỉnh thì có nơi vẫn chưa hoặc chậm điều chỉnh đơn giá xây dựng theo thời điểm bồi thường. Mặt khác, từ việc định giá tài sản không phù hợp, kéo theo việc bồi thường hỗ trợ di chuyển cũng không hợp lý.

Mặt khác, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 26 Nghị định 47/2014/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể về lập và thực hiện dự án tái định cư theo hướng: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất; quy định khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền; quy định việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các địa phương đều không có sẵn nguồn nhà đất tại chỗ để phục vụ tái định cư mà phải bố trí các khu tái định cư ở những địa phương xa, gây xáo trộn trong hoạt động đời sống sản xuất của người dân.

Minh Hùng