TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU CHƯA BỀN VỮNG TRONG TRUNG VÀ DÀI HẠN, CÒN TIỀM ẨN RỦI RO

15/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết, tăng trưởng xuất khẩu chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, quy mô xuất khẩu hàng hóa không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (11,6%/năm giai đoạn 2018-2022), và liên tục đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2017, Việt Nam ở vị trí thứ 20 thế giới về quy mô xuất khẩu, sau 5 năm đến năm 2022 tăng 2 bậc lên thứ 18 thế giới.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được mở rộng về quy mô, đa dạng, phong phú về chủng loại và phát triển thêm nhiều mặt hàng mới như đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ,...  Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, nước ta đã khai thác, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện khá hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 35-40%/kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các đối tác FTA. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhờ đó được mở rộng và đa dạng hóa. Cán cân thương mại có xuất siêu trong nhiều năm liên tục, qua đó hỗ trợ ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết, tăng trưởng xuất khẩu chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Những rủi ro đó đến từ sự mất cân đối trong cán cân thương mại với các thị trường; sự mất cân đối về thị trường xuất khẩu; sự mất cân đối về cơ cấu doanh nghiệp xuất khẩu và về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Việc xuất khẩu, xuất siêu sang một thị trường tăng nhanh có thể làm nền kinh tế dễ tổn thương trước các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc cú sốc từ bên ngoài. Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu còn chậm, phần lớn thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn thuộc về khu vực châu Á. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn tập trung nhiều vào các mặt hàng chủ lực của ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động hoặc tài nguyên. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó khăn về thị trường và giá bán. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh và hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn khiến hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. Xuất khẩu dễ gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Phát triển xuất khẩu chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đứng trước rủi ro không được chấp nhận thâm nhập vào thị trường nước ngoài do chưa đáp ứng các quy định trong quá trình khai thác, đánh bắt, chế biến, sản xuất.

Ngoài ra, xuất khẩu tăng trưởng nhanh góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và nâng cao mức sống của người dân. Tuy vậy, cơ hội tham gia vào hoạt động xuất khẩu và việc thụ hưởng thành quả từ tăng trưởng xuất khẩu còn chưa đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp, giữa các địa phương, giữa người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Minh Hùng