QUYẾT TÂM CAO TRONG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Ở DOANH NGHIỆP

20/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực I cho rằng, những chủ trương, đường lối của Đảng tại Đại hội XIII nói trên thể hiện quyết tâm cao trong hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nhằm tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực 1 cho rằng, lý luận về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp hiện tại đã tương đối đầy đủ.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội

Cụ thể, theo Khoản 16, Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ 2022: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. Từ đó, có thể hiểu thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp.

Về cấu trúc, có thể hình dung, thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp bao gồm các khía cạnh sau: Các bộ quy tắc, luật pháp (luật chơi) tạo ra hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và nguồn lực trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo. Các nguồn lực quan trọng có thể kể đến là vốn, nhân lực, thông tin, dữ liệu lớn, mặt bằng, nền tảng số...

Bộ máy quản lý và cơ chế vận hành (cách chơi) nhằm đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp và giải quyết những tranh chấp về lợi ích phát sinh trong quá trình đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp. Chất lượng bộ máy quản lý càng cao cùng với cơ chế vận hành thông suốt thì càng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngược lại, bộ máy quản lý trì trệ, chậm đổi mới và cơ chế vận hành kém thông suốt sẽ làm cản trở xu hướng dòng chảy của đổi mới sáng tạo. Vị trí, vai trò của doanh nghiệp (người chơi) và liên kết với các chủ thể khác trong quá trình đổi mới sáng tạo.

Theo TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Quan điểm của Đảng về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp đã tương đối rõ ràng. Khái niệm “đổi mới sáng tạo” với nội hàm là việc phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội đã luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra trong nhiều chủ trương, đường lối, chính sách kể từ năm 1986. Trải qua các kỳ đại hội, quan điểm này ngày càng được nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên cụm từ “đổi mới sáng tạo” với tư cách là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện của Đảng.

Đại hội XIII đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc…; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.

Đại hội XIII đã nhấn mạnh trọng tâm của hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao”; “Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại”; “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế”.

Đại hội XIII khẳng định và củng cố vai trò của đổi mới sáng tạo thông qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển… Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…”; “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội…”. Cả 3 đột phá chiến lược vừa nêu đều tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng như coi đổi mới sáng tạo vừa là cơ sở, vừa là động lực của sự phát triển.

Đại hội XIII của Đảng còn đề cập đến một số nội dung cụ thể của đổi mới sáng tạo trên từng lĩnh vực trong giai đoạn 2021 – 2030. Đối với lĩnh vực kinh tế, đổi mới sáng tạo được thực hiện song song với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo”; “tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh”.

Những chủ trương, đường lối của Đảng tại Đại hội XIII nói trên thể hiện quyết tâm cao trong hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nhằm tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống pháp luật nước ta là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận và đặc biệt là có tính “mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững”. 

Minh Hùng

Các bài viết khác