PHÁT TRIỂN VÀ THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA ĐẤT NƯỚC

21/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, việc phát triển và thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, trong hơn 35 năm tiến hành đổi mới, việc bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, trước hết là về hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Cụ thể, việc phát triển và thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu tiến tới bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng quyền ASXH và chia sẻ những thành tựu của quá trình kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã thực hiện tốt các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người tham gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhằm mở rộng đối tượng tham gia; giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường giải pháp để kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Nếu năm 2015 cả nước có 12,07 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23% lực lượng lao động thì đến năm 2019 có 31,9% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 8% so với năm 2015; năm 2020 diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; tính đến hết ngày 31/12/2022, số người tham gia BHXH là 17,498 triệu người, đạt khoảng 38,07% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn kế hoạch 0,07% , tăng 5,75% so với năm 2021.

Số người tham gia BHTN là 14,330 triệu người, đạt khoảng 31,18% LLLĐ trong độ tuổi, vượt kế hoạch 0,18%, tăng 6,98% so với năm 2021. Số người tham gia BHYT ước đạt là 91,067 triệu người, bao phủ 92,03% dân số tham gia BHYT, cao hơn kế hoạch 0,03% , tăng 2,233 triệu người, tương ứng tăng 2,51% so với năm 2021. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 431.252 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 34.615 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,7% so với năm 2021. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi ước thực hiện cả năm chiếm 2,91% số phải thu.

Năm 2022, ước tính đã giải quyết cho khoảng 95.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 1.113.164 người hưởng trợ cấp 1 lần (trong đó 895.598 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); giải quyết 10.920.098 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH) giải quyết cho 977.607 người hưởng các chế độ BHTN; trong đó 957.511 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 20.096 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.). Về chế độ BHYT, cả nước có khoảng 151,388 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú; Số chi KCB BHYT là 106.732 tỷ đồng…

Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015 so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.

Về hỗ trợ xã hội, giải quyết việc làm, hỗ trợ xã hội (còn được gọi là trợ giúp xã hội) là sự bảo đảm và giúp đỡ của Nhà nước, sự hỗ trợ của nhân dân và cộng đồng quốc tế về thu nhập và các điều kiện sinh sống bằng các hình thức và biện pháp khác nhau với các đối tượng bị lâm vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi, yếu thế hoặc hẫng hụt trong cuộc sống khi họ không đủ khả năng tự lo được cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình.

Hỗ trợ xã hội có nhiều nội dung và hình thức, tuỳ thuộc vào mức độ và tính chất mà phân biệt dưới hình thức trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội đột xuất: Trợ giúp xã hội thường xuyên là hình thức trợ giúp bằng tiền hoặc hiện vật mà nhà nước định ra để trợ cấp đối với những người hoàn toàn không thể tự lo cuộc sống trong một thời gian dài (một hoặc nhiều năm) hoặc trong suốt cả cuộc đời của đối tượng được trợ giúp; Trợ giúp xã hội đột xuất (một hoặc một số lần xác định) là hình thức trợ giúp xã hội do nhà nước và cộng đồng giúp đỡ những người không may bị thiên tai, mất mùa hoặc những biến cố khác mà đời sống của họ bị đe doạ về lương thực, nhà ở, chữa bệnh, chôn cất và phục hồi sản xuất nếu không có sự giúp đỡ khấn cấp.

Theo đó, hiện nay, hệ thống TGXH ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện theo hướng tiếp cận mới, coi đầu tư TGXH là đầu tư cho tăng trưởng bền vững và thực hiện công bằng xã hội, kết hợp hiệu quả vai trò của nhà nước với vai trò xã hội và người dân. Năm 1986, số người trợ giúp xã hội chiếm chưa đến 1% dân số, thì đến năm 2011 tăng 1,9 % dân số năm 2011 (1,7 triệu người), 2,6% dân số năm 2015 (2,7 triệu người) và đạt hơn 3% dân số vào năm 2020 (3 triệu người), vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Giai đoạn 2021-2022, Chính phủ đã hỗ trợ 182.900 tấn gạo cứu đói cho gần 12,194 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai. Hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; Có 29 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Công tác chi trả chính sách đã chuyển sang cơ quan cung cấp dịch vụ bưu điện, tạo điều kiện cho địa phương tập trung cán bộ cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát. Công tác trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm (95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu). Các địa phương đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho gần 1 triệu người cao tuổi. Đến nay, cả nước đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật.

Minh Hùng