GÓC NHÌN: MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

27/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào sáng nay, ngày 27/11. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết “Một số ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Thạc sỹ Luật Đặng Đình Luyến.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

GÓC NHÌN: “VĂN HOÁ TỪ CHỨC” - GỢI Ý CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ NÊN GIAO QUYỀN CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô, tôi tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Thủ đô và có một số ý kiến sau đây để Cơ quan soạn thảo tham khảo, cân nhắc thêm.

1. Sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô

Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013; đến nay Luật đã được thực hiện hơn 10 năm, đã góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn có nhiều hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn thực hiện Luật; vì vậy tôi tán thành với việc cần thiết sớm phải sửa đổi cơ bản Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển Thủ đô; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật và thực tiễn thực hiện Luật trong những năm qua.

2. Về bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật

Qua nghiên cứu, rà soát dự thảo luật Thủ đô cho thấy có nhiều quy định của dự thảo luật không đồng bộ, không thống nhất với các quy định của các luật hiện hành, các dự thảo luật đang được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến hoặc thông qua, như quy định về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân; số lượng, cơ cấu thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; về phát triển khoa học và công nghệ; phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai; phát triển nhà ở; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô và nhiều quy định khác của dự thảo Luật.   

Tôi nhận thấy, việc quy định như dự thảo luật sẽ không đáp ứng với nguyên tắc xây dựng, ban hành luật được quy định tại Điều 5 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như: “Bảo đảm ….tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”. Mặt khác, việc quy định như dự thảo luật trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ tạo nên sự khác biệt về chính sách, pháp luật sẽ được thực hiện trên địa bàn  Hà Nội khác với các chính sách, pháp luật quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành đang được thực hiện trên phạm vi cả nước.  Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét lại vấn đề này.

Sớm sửa đổi cơ bản Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển Thủ đô.

3. Về tính khả thi của dự thảo Luật Thủ đô

Trong dự thảo luật Thủ đô đã đề xuất nhiều chính sách, pháp luật mới, đặc thù trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó quy định về nhu cầu sử dụng ngân sách, nguồn lực khác cao hơn nhiều so với nguồn lực để thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành, như: chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18); phát triển văn hóa, thể thao (Điều 23); phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 24); phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Điều 25); phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân (Điều 27); chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (Điều 28); bảo vệ môi trường (Điều 29); quản lý, sử dụng đất đai (Điều 30); phát triển nhà ở (Điều 31); phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông (Điều 32); phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33); sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô (Điều 36); v v ….

Về cơ bản, tôi tán thành với chủ trương cần phải có ngân sách, kinh phí để chi cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật mới, đặc thù để phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định các nhu cầu về ngân sách, kinh phí để chi cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật mới, đặc thù trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như nêu trong dự thảo luật là quá lớn, nhất là trong điều kiện hiện nay nguồn Ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, hạn chế, rất khó đáp ứng cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật mới, đặc thù này. Thực tiễn, trong những năm qua cho thấy, có không ít trường hợp đã đưa các chính sách, pháp luật mới, đặc thù vào luật, nhưng do không đánh giá tác động đầy đủ, khoa học các chính sách mới, chưa xem xét cân nhắc kỹ khả năng nguồn lực để bảo đảm việc thực hiện, do đó sau khi luật có hiệu lực thi hành đã rất hạn chế đi vào cuộc sống, tính khả thi không cao. Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về các cơ chế, chính sách, pháp luật mới, đặc thù trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô được nêu trong dự thảo Luật; theo đó mỗi chính sách mới, đặc thù được đề xuất trong dự thảo luật cần phải đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ để lựa chọn phương án tốt nhất cùng với dự kiến nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện khi Luật có hiệu lực, nhằm bảo đảm tính khả thi cao.

Bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn 2050. (nguồn: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội)

1. Áp dụng Luật Thủ đô

(1) Khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật quy định:

 “1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Tôi nhận thấy việc quy định như khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật nêu trên chưa rõ ràng, tức là chưa nói rõ luật, nghị quyết khác của Quốc hội nêu tại khoản 1 Điều 4 được ban hành trước hay ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định rõ về thời gian ban hành luật, nghị quyết khác của Quốc hội tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật để đưa ra phương hướng áp dụng Luật Thủ đô khi có quy định khác với quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể là:

- Trường hợp: luật, nghị quyết của Quốc hội nêu tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật mà ban hành trước ngày Luật Thủ đô có hiệu lực nếu có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô thì sẽ áp dụng quy định của Luật Thủ đô. Trong trường hợp này thì không cần phải quy định vấn đề này vào dự thảo luật nữa (tức là đề nghị bỏ khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật), vì Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau” (khoản 3 Điều 156).

- Trường hợp: luật, nghị quyết của Quốc hội nêu tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật mà ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực nếu có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô thì sẽ áp dụng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau như khoản 3 Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định và vấn đề này đã thể hiện tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật.

(2) Khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật quy định:

“Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó.”

Tôi nhận thấy, việc quy định như khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật về yêu cầu luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau Luật thủ đô …..  phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó là không cần thiết, là thừa, vì khoản 2 Điều 8 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.

Tóm lại, những nội dung nêu tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 và khoản 3 Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 4 trong dự thảo luật.

2. Các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô (Điều 34)

(1) Điểm a khoản 2 Điều 34 của dự thảo luật quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định …. đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm;”

Tôi nhận thấy, việc quy định như dự thảo luật là khi tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội vi phạm hành chính thuộc một số lĩnh vực nêu trên, thì bị xử phạt hành chính cao gấp đến  2 lần so với tổ chức, cá nhân vi phạm cùng hành vi hành chính đó ở các tỉnh, thành phố khác. Quy định như dự thảo luật là không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Hiến pháp là “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” Hơn nữa, việc quy định như dự thảo luật không đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại quy định nêu trên để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trong mọi lĩnh vực, bao gồm bình đẳng trong việc xử phạt vi phạm hành chính và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc không nên quy định biện pháp ngăn chặn ngừng cung cấp điện, nước, mà nên đưa ra biện pháp ngăn chặn khác hợp lý hơn. (ảnh minh họa)

(2) Điểm b khoản 2 quy định “Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy”

Tôi nhận thấy việc cung cấp điện, nước là vấn đề quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt của con người; nếu không có điện, nước thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho việc ăn, ở, sinh hoạt của con người; mặt khác nếu ngừng cung cấp điện, nước sẽ làm cho công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh không hoạt động được nữa và có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần…., thì cơ quan, cá nhân nào sẽ chụi trách nhiệm về các thiệt hại này. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc không nên quy định biện pháp ngăn chặn ngừng cung cấp điện, nước, mà nên đưa ra biện pháp ngăn chặn khác hợp lý hơn.

3. Về quy định hiệu lực của Luật trở về trước

Khoản 3 Điều 59 của dự thảo luật quy định: “Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Thành phố và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô được phê duyệt hoặc ký hợp đồng trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa hưởng các ưu đãi theo pháp luật hiện hành thì được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật này.

Tôi nhận thấy, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân có hiệu lực trở về trước cần căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật BHVBQPPL là “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.”. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại quy định khoản 3 Điều 59 của dự thảo luật nêu trên để phù hợp, đáp ứng yêu cầu của quy định khoản 1 Điều 152 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

                 ThS. Đặng Đình Luyến
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội